Câu chuyện ra trường – xin việc chính là điều khiến cho nhiều sinh viên Việt Nam đau đầu mỗi khi tốt nghiệp. Sinh viên CNTT lại thường chú trọng kiến thức chuyên môn mà ít để ý tới kỹ năng cần thiết khi phỏng vấn, tạo CV hay viết email ứng tuyển. Nhận thức được điều đó, FPT Aptech Hà Nội đã kết hợp với Học viện Chiến lược Nhân sự HSM tổ chức Giờ học Doanh nghiệp (GHDN) Online: Từ CV đến phỏng vấn dành cho các bạn sinh viên đang học kỳ cuối để giúp các Lập trình viên tương lai nắm trọn bí kíp chinh phục nhà tuyển dụng.

Nắm bắt được nhu cầu của nhà tuyển dụng cũng là mở rộng hơn cơ hội cho bản thân.

Phụ trách Đào tạo trong GHDN lần này là thầy Nguyễn Trung Triệu – Phó phòng Nhân sự tại MISA Software, đồng thời anh cũng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành nhân sự và hơn 5 năm làm việc tại đây.

Thầy Triệu đã cung cấp những thông tin hữu ích về việc viết CV, các bí kíp trả lời phỏng vấn, cách viết email chuẩn mực. Chắc chắn rằng, những kiến thức thực tế này sẽ giúp các bạn sinh viên trước khi tốt nghiệp đã được nhà trường trang bị kỹ năng để có thể vượt qua vòng đầu (First Door) của nhà tuyển dụng, thuận lợi hơn trong quá trình xin việc.

Thầy Triệu là một người có bề dày kinh nghiệm hàng hàng chục năm trong việc tuyển/chọn lựa ứng viên ngay từ những vòng đầu tiên, mỗi năm anh tuyển chọn hơn 1000 ứng viên ngành CNTT. Chính vì vậy, những kiến thức mà thầy cung cấp không chỉ rất bổ ích mà còn vô cùng thực tiễn.

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”

Với bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, cần biết và hiểu rõ thị trường đang cần gì. Hiện nay ngành CNTT đang thiếu nhiều nguồn nhân lực nhất trong tất cả các ngành nghề, chính vì vậy các Lập trình viên giỏi chuyên môn đang được “săn đón” tại các Công ty/Doanh nghiệp.

Với mỗi một trình độ sẽ có những mức lương tương xứng: Khi còn là sinh viên thì mức lương khoảng 3-5 triệu, Junior có thể trong khoảng 15 triệu, Senior có thể đạt tới mức lương 25 triệu, nếu kỹ năng cao hơn thì mức lương có thể lên lên đến hơn 100 triệu, và sự thật là có bạn chia sẻ rằng “đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến em quyết tâm theo đuổi nghề lập trình tại FPT Aptech”.

 Chúng ta thường thấy các Công ty trong ngành CNTT có 02 dạng: Công ty Product – theo hướng làm từ A-Z và Công ty Outsource – gia công phần mềm cho công ty khác.

Những yếu tố “cần” và “đủ” mà sinh viên CNTT cần có

Khi đã hiểu và biết thị trường cần những gì, sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng cần phải định hướng và nâng cấp kỹ năng của bản thân cho phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng, tránh nguy nguy cơ thất nghiệp.

Những điều mà sinh viên CNTT cần cải thiện, bồi dưỡng không chỉ là những kiến thức nền tảng như OOP, mạng máy tính, cơ sở dữ liệu, cấu trúc dữ liệu và thuật toán, hệ điều hành mà còn phải thành thạo trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật như process, convention, debugging…

Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh, có cơ hội làm việc trong những môi trường quốc tế như Google, Facebook.. mỗi sinh viên cần phải nâng cao các kỹ năng mềm như khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh), học cách làm việc nhóm (teamwork), chịu được áp lực công việc, học hỏi và thích nghi, khiêm tốn, thật thà, chịu khó để tạo ra nhiều cơ hội, nhận được nhiều sự giúp đỡ.

Thầy Triệu chia sẻ rằng mỗi khi phỏng vấn, anh sẽ hỏi về các kiến thức căn bản nhưng nhiều ứng viên đều không tự tin trả lời. Chính vì vậy nắm chắc kiến thức nền tảng sẽ khiến bạn không bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Một nền tảng kiến thức tốt sẽ là bàn đạp cho những bước sau thuận lợi.

Tại đây, bạn Lê Ngọc Quế có một thắc mắc rằng: “Em tốt nghiệp khoa QTKD trường đại học Kinh Tế Quốc Dân và vừa hoàn thành chương trình học tại FPT Aptech, em muốn ứng tuyển vị trí Fresher Java thì việc học KTQD có được coi là thành tích không hay chỉ tính trình độ học vấn?”.

Để giải đáp thắc mắc này, thầy Triệu đã đưa ra lời khuyên rằng “Nhà tuyển dụng thường quan tâm tới kinh nghiệm, kiến thức về chuyên ngành mà họ đang tuyển. Chính vì vậy, nếu bạn ứng tuyển vào vị trí Fresher Java thì kiến thức về lập trình trong 2 năm học tại FPT Aptech mới là thứ bạn cần tập trung, còn ngành QTKD của trường đại học Kinh Tế Quốc Dân sẽ được coi như là một cái nền tảng thể hiện rằng bạn có tư duy về đa ngành, đa nghề, thích ứng được nhiều lĩnh vực, đây cũng là một điểm cộng cho khối CNTT. Vì vậy, hãy cứ ghi vào mục “Trình độ học vấn để thể hiện năng lực liên ngành của mình””.

Một vài kỹ năng mềm khác cần có.

Trước đó, thầy Triệu cũng đã gặp nhiều sinh viên có thể tự tin mà trả lời rằng họ có thể chịu được áp lực, nhưng thời gian sau, chính thứ áp lực đó lại khiến họ từ bỏ vì “không cân bằng được việc học và việc làm”. Do đó, hãy biết cân nhắc và suy xét khả năng của bản thân cho phù hợp với định hướng cuộc sống của mình.

“Bí kíp” chinh phục nhà tuyển dụng bằng CV từ ánh nhìn đầu tiên

Nếu bạn có kỹ năng tốt, kiến thức chắc chắn nhưng trong CV không thể hiện được năng lực hay tổng thể bản CV không chính xác thì xác suất bạn bị loại từ vòng “gửi xe” là rất cao, từ đó bạn sẽ không có cơ hội thể hiện mình với nhà tuyển dụng. Hay trong quá trình phỏng vấn bạn không thể hiện ra được tại sao bạn lại phù hợp với công việc này, không có phong thái, cách trả lời đúng mực thì bạn cũng sẽ có thể bị vào Blacklist của cộng đồng HR, hay họa chăng có vào làm việc chính thức thì bạn cũng sẽ không thể “bán mình” với mức giá cao.

“Mách nước” cho các sinh viên cách mà nhà tuyển dụng nhìn CV, từ đó các bạn có thể rút kinh nghiệm khi tạo một chiếc CV của bản thân.

Với mỗi CV, nhà tuyển dụng sẽ dành khoảng 40s để “soi” và tìm hiểu xem bạn có phù hợp với đối tượng mà họ đang tìm kiếm hay không. Bố cục và cách sắp xếp CV là thứ gây ra ấn tượng đầu tiên giúp tạo thiện cảm, tiếp đó là họ sẽ tìm hiểu kỹ về kinh nghiệm, học vấn, trình độ kỹ năng… để xác định mức độ phù hợp của bạn.

Đối với các CV của sinh viên chưa có kinh nghiệm thì phần mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng sẽ thể hiện bạn là một người có chí cầu tiến. Còn phần nêu nổi bật về kiến thức nền tảng tốt giúp bạn vận dụng dễ hơn khi áp dụng vào công việc thực tiễn, một điểm số đẹp sẽ thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người có tinh thần trách nhiệm và sự chăm chỉ đối với việc học hành cũng như công việc khác.

Cả lớp cùng hào hứng tham gia minigame “Soi lỗi CV”để có thể nhận định rõ hơn các lỗi thường hay mắc phải như CV bố cục không hợp lý, thông tin không chi tiết rõ ràng, ảnh mờ, quy cách gửi CV qua email sai, sai thông tin cá nhân, sai vị trí ứng tuyển, sai tên công ty, viết thông tin không liên quan…đồng thời cũng đã chỉ ra những hệ quả khi mắc lỗi trong CV, điều này giúp các bạn rút kinh nghiệm cho làm các CV sau này.

Lưu ý thêm đừng quên chia sẻ thêm cả những hoạt động phong trào bạn đã tham gia để chứng tỏ bạn là người năng nổ hoạt bát hay những sở thích, sở trường liên quan đến công việc cũng là một điểm cộng cho ý thức và thái độ của bạn. Thầy Triệu mong rằng các bạn chưa có kinh nghiệm có thể dùng ý thức, thái độ để mà gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Bạn Hồ Thái cũng có một vài thắc mắc về quy cách của CV và vô cùng mong muốn được thầy Triệu giải đáp: “Em có tham khảo một số mẫu CV trên mạng thì thấy có nhiều mẫu thiết kế khác nhau. Vậy giữa một CV với sự trình bày đơn giản và một CV với hướng sáng tạo hơn thì cái nào sẽ gây ấn tượng hơn? Ví dụ một CV trắng đen và một CV màu sắc”.

Một vài điều cần lưu ý dành cho các bạn viết CV khi chưa có kinh nghiệm.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mẫu CV với thiết kế đa dạng khác nhau, điều đó khiến chúng ta rất khó để lựa chọn. Tuy nhiên, theo thầy Triệu: “Chúng ta có thể căn cứ vào tính cách bản thân để lựa chọn. Ví dụ bạn là người hướng nội trầm tính có thể dùng tone màu tối, đơn giản, nếu bạn ưa thích hoạt động thì có thể dùng tone màu sáng, rực rỡ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên dựa vào vị trí ứng tuyển để lựa chọn CV cho phù hợp: Ngành lập trình thì ưu tiên CV thể hiện được sự cẩn trọng và chăm chút bằng những tone màu tối giản, cổ điển còn ngành PR, Marketing, Advertising thì ưu tiên những CV hoặc Portfolio sặc sỡ bắt mắt…hãy căn cứ vào hoàn cảnh để có sự lựa chọn cho phù hợp”.

Tiếp đến là câu hỏi từ bạn Lê Ngọc Quang đến từ lớp T2004E: “Ngoài việc viết CV hay gửi email về cho bộ phận nhân sự (HR) thì một số công ty còn yêu cầu viết cover letter, vậy thầy có thể góp ý cho em cover letter nên có những gì?”

Các lỗi khi gửi email các bạn nên chú ý để tránh mắc phải.

Nhiều bạn vì “lười” nên thưởng bỏ qua Cover Letter, hoặc gửi CV cho nhiều công ty cùng lúc nên chưa sửa phần tên tại đây dẫn tới việc làm cho nhà tuyển dụng đánh giá xấu hoặc có ấn tượng không tốt về bạn. Vì vậy “hãy chăm chút cho Cover Letter cũng như chăm chút cho CV của bạn, CV thì thể hiện rõ ràng bạn là người như thế nào, còn Cover Letter thể hiện được sự tôn trọng và tinh thần ban đầu của bạn đối với nhà tuyển dụng. Dùng 1-2 phút để hoàn chỉnh Cover Letter gồm lời chào “Mở đầu – Đoạn mở đầu – Phần nội dung chính” của thư, đoạn cuối thư, phần kết, ký tên và những thông tin liên quan khác nhất định sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng ban đầu trong mắt nhà tuyển dụng” – là những gì mà thầy Triệu muốn các bạn sinh viên hãy lưu tâm hơn.

Những lưu ý khi đi phỏng vấn

Đầu tiên bạn cần có sự chuẩn bị cẩn thận về buổi phỏng vấn: Tìm hiểu công ty, chuyên môn yêu cầu của vị trí tuyển dụng, văn hóa công ty. Cũng cần chú ý đến trang phục khi đi phỏng vấn, ăn mặc lịch sự và phù hợp.

Tìm hiểu một số thông tin liên quan đến buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn tạo ra sự chủ động.

Chú ý đến tác phong thanh lịch là tạo ra điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng. Và sau buổi phỏng vấn, nên gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng và công ty đã dành thời gian và tạo cơ hội cho buổi phỏng vấn, như vậy nếu bạn có trượt hoặc sau này bạn tiếp tục có cơ hội ứng tuyển một lần nữa sẽ tạo được thiện cảm với chính họ.

Về những vấn đề gặp phải trong quá trình phỏng vấn, có một bạn có thắc mắc rằng: “Với vị trí Fresher có những nơi hỏi thêm cả những công việc cũ, đặc biệt là với những người chuyển ngành như em họ thường có xu hướng tò mò và hỏi chi tiết công việc trong quá khứ, thậm chí họ còn tỏ ra ngờ vực khả năng của em nếu cho em đảm nhận vị trí em đang phỏng vấn. Vậy gặp trường hợp đó em nên trả lời như thế nào ạ?

Thầy Triệu dưới góc độ là nhà tuyển dụng đã hướng dẫn bạn hỏi trả lời theo cách tự nhiên nhất có thể, đồng thời nên thể hiện được sự cần tiến của mình: “Do em cảm thấy môi trường ở đó không hợp với em (hoặc nguyên nhân nào khác mà bạn cảm thấy hợp lý), đồng thời em rất muốn thử sức cũng như học hỏi thêm ở nhiều lĩnh vực khác. Hiện tại, em cũng đã có những kỹ năng căn bản về ngành, vậy nên em sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành công việc cũng như theo đuổi ngành nghề này”.

Dù học online nhưng việc tương tác trực tiếp giữa sinh viên và thầy Triệu vẫn luôn là phần sôi nổi nhất.

Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi của một bạn rằng “Em sinh năm 1993, vậy thì làm thế nào để thuyết phục nhà tuyển dụng chọn mình giữa những người trẻ, đặc biệt là với một ngành đặc thù như CNTT? Đừng lo lắng quá nhiều vì tuổi tác, mặc dù trong ngành này thật sự có sự ưu tiên về độ tuổi. Nhưng thay vì lo lắng vô ích, hãy dành thời gian đó cố gắng nâng cao khả năng của mình, thể hiện được sự cầu tiến, thể hiện được những kỹ năng mà người trẻ chưa có cơ hội học, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn “gừng càng già càng cay”.

Bạn Nguyễn Đăng Bằng, sinh viên năm 4 tại FPT Aptech sau giờ học đã  gửi lời cảm ơn sâu sắc tới thầy Triệu rằng: “Cảm ơn thầy Triệu đã cho em biết được phần nào đó về góc nhìn từ phía nhà tuyển dụng. Trước đây em chỉ cố gắng hết sức để có một CV đẹp, cố gắng thể hiện thật nhiều trong mắt nhà tuyển dụng mà quên rằng nhà tuyển dụng đều có tiêu chí riêng để đánh giá ứng viên. Hy vọng rằng, sau này khi đi xin việc, em có thể áp dụng những kiến thức này một cách hiệu quả. Cảm ơn anh rất nhiều”.

Chắc hẳn các sinh viên đã có thêm kỹ năng để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng thông qua việc trình bày CV cũng như tự tin hơn khi trả lời phỏng vấn ứng tuyển. Mong rằng các bạn sẽ áp dụng thật tốt những kiến thức đó vào thực tiễn.

Lộc Toàn

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96