Những phần mềm giúp bạn tham gia các cuộc hội nghị truyền hình ngay cả khi đang làm việc ở nhà, hợp tác với đồng nghiệp và khách hàng để phát triển, phác thảo ra những ý tưởng mới trên cùng một tài liệu theo thời gian thực.
Cho dù nền tảng bạn chọn là máy tính hệ điều hành Windows, máy Mac, trình duyệt web hoặc một thiết bị di động, dưới đây là 10 trong số những phần mềm chat video và hội nghị truyền hình đáng chú ý nhất hiện nay.
1. Skype
Là một trong những ứng dụng chat phổ biến nhất hiện nay, Skype gần đây đã thêm tính năng thoại video theo nhóm miễn phí cho tất cả mọi người (lên đến 10 người được cho phép tham gia). Ứng dụng ra đời đã khá lâu này hiện có rất nhiều người đăng ký sử dụng, có nghĩa là bạn sẽ có thể gặp chút khó khăn về tốc độ đường truyền khi mọi người cùng tham gia trò chuyện video trên nền tảng này. Giao diện của Skype cũng khá đơn giản và dễ sử dụng, mặc dù vậy những tính năng dành cho người dùng doanh nghiệp chỉ giới hạn cho tính năng chia sẻ màn hình thô sơ.
Skype cũng hỗ trợ khả năng gọi điện thoại thông thường đến bất cứ nơi nào trên thế giới với mức giá khá thấp cho mỗi phút thoại. Đây có lẽ là một tính năng thưởng thêm được đánh giá cao nhất của Skype.
Nền tảng hỗ trợ: Windows, Mac, Linux, iOS, Android, Windows Phone, Xbox One và nhiều nền tảng khác
Giá: miễn phí (lên đến 10 người tham gia)
2. GoToMeeting
Gồm có hai phiên bản là Pro đầy đủ tính năng và Free miễn phí với ít tính năng hơn, GoToMeeting là một giải pháp hội nghị truyền hình cho tất cả mọi người. Phiên bản GoToMeeting Free đơn giản cho phép bạn trò chuyện và chia sẻ các tập tin video với tối đa ba người tham gia. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ chạy trên trình duyệt Google Chrome, không yêu cầu đăng ký. Trong khi đó, phiên bản Pro mạnh mẽ hơn, là một hệ thống hội nghị truyền hình hỗ trợ lên đến 100 người tham gia. Các tính năng đa dạng của ứng dụng này bao gồm chia sẻ toàn màn hình, chỉnh sửa hợp tác trên màn hình, chat văn bản và khả năng gọi điện thoại.
Nền tảng hỗ trợ: web (miễn phí), Windows, Mac, iOS, Android
Giá: miễn phí (tối đa 3 người tham gia) hoặc 59 USD/tháng cho mỗi doanh nghiệp (lên đến 100 người tham gia)
3. WebEx Meetings
Tương tự GoToMeeting, phiên bản đầy đủ của ứng dụng WebEx Meetings do Cisco cung cấp cũng hỗ trợ hội nghị truyền hình cho các cuộc họp lên đến 100 người tham gia, bao gồm các tính năng chia sẻ màn hình máy tính, bảng viết, quản lý tài liệu cộng tác và điều khiển từ xa các máy tính khác tham gia cuộc gọi. Ứng dụng này cũng có phiên bản miễn phí dành cho hệ thống cơ bản với tối đa 3 người tham gia. Nhưng không như GoToMeeting, bạn phải đăng ký một tài khoản trước khi sử dụng. Ngay cả những người dùng miễn phí của WebEx cũng sẽ có được 250MB không gian lưu trữ trực tuyến. Vì vậy, đây là một ứng dụng đáng giá để bạn dành chút thời gian đăng ký sử dụng.
Nền tảng hỗ trợ: web (miễn phí), Windows, Mac, iOS, Android, Windows Phone, BlackBerry
Giá: miễn phí (tối đa 3 người tham gia); 89 USD/tháng cho mỗi máy chủ (lên đến 100 người tham gia)
4. Google+ Hangouts
Hệ thống video chat này của Google hỗ trợ các chức năng nhắn tin tức thời, truyền video trực tiếp (live-streaming), điều khiển từ xa và nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chat qua video, chia sẻ màn hình, kiểm soát các máy tính tham gia khác và nhập các tập tin từ tài khoản Google Drive của mình cho mục đích làm việc cộng tác ghi chú hoặc phác thảo. Bạn thậm chí có thể xem video (tất nhiên là thông qua YouTube) cùng nhóm làm việc và thêm các ý kiến của mình. Nếu băng thông đường truyền hạn chế, bạn có thể điều chỉnh chất lượng camera cho phù hợp với kết nối Internet. Nếu có nhu cầu hội thoại với một nhóm nhiều hơn 10 người sử dụng, hãy thử “Hangouts on Air” của Google, một dịch vụ live-streaming giống Hangouts.
Nền tảng hỗ trợ: web, Windows, Mac, Linux, Chromebook, iOS, Android
Giá: miễn phí (lên đến 10 người tham gia)
5. ooVoo
Có một chút giống với Skype, ooVoo là một công cụ chat video được thiết kế hướng đến mục đích truyền thông di động. Hầu hết các tính năng của phần mềm này phục vụ cho nhu cầu thoại video trong cuộc sống đời thường chứ không chỉ cho công việc văn phòng. Tích hợp Facebook là một điểm nổi trội và ooVoo tự hào đang có hàng triệu người sử dụng dịch vụ, do đó bạn có thể kết nối với những người bạn đang sử dụng ứng dụng này. Phiên bản độc lập hiện hỗ trợ cho máy Mac và PC. Với khả năng hỗ trợ lên đến 12 người sử dụng đồng thời, hộp thư thoại video và khả năng ghi lại các cuộc gọi và tải chúng lên YouTube, ooVoo là một dịch vụ thú vị cho các bạn trẻ khi muốn hội thoại theo nhóm.
Nền tảng hỗ trợ: Windows, Mac, iOS, Android, Facebook
Giá: miễn phí (tối đa 12 người tham gia); 3 USD mỗi tháng cho phiên bản không có quảng cáo
6. AnyMeeting
Đơn giản nhưng đầy đủ các tính năng ngay cả trong chế độ miễn phí, AnyMeeting là một công cụ hoàn toàn dựa trên nền tảng web khá ấn tượng cho cả người dùng bình thường lẫn chuyên nghiệp. Ứng dụng hỗ trợ cho các cuộc trò chuyện video miễn phí giữa máy tính và điện thoại với tối đa 200 người tham dự (cùng lúc 6 máy trên video). Công cụ này cũng tích hợp tính năng chia sẻ màn hình, các chức năng trình bày slideshow, phát video YouTube và thậm chí cả một hệ thống truyền hình thời gian thực dành cho các nhà tổ chức hội nghị. Có thể tích hợp với tài khoản Google làm cho AnyMeeting dễ dàng hơn để sử dụng, cả về việc thiết lập các cuộc họp lẫn việc mời mọi người tham gia.
Nền tảng hỗ trợ: web
Giá: miễn phí (hỗ trợ quảng cáo); 78 USD/tháng (không có quảng cáo, lên đến 200 người tham dự)
7. Meetings.io
Là một hệ thống trò chuyện dựa trên nền tảng web, Meetings.io cho phép bạn chat video với tối đa 5 người đồng thời cùng với khả năng thêm vào màn hình và chia sẻ tập tin. Người sử dụng thường xuyên (chẳng hạn như các nhà cung cấp dịch vụ muốn khuyến khích khách hàng để giới thiệu các gói video chat có thanh toán phí) có thể tạo ra một trang hồ sơ cá nhân trên dịch vụ này với một địa chỉ URL tĩnh, nhưng nếu không đăng ký vẫn sử dụng được hệ thống. Người dùng đã đăng ký có thể lập lịch các cuộc họp, nhập danh bạ liên lạc từ email, Facebook, LinkedIn hay quản lý danh sách khách mời. Ứng dụng hoạt động rất tuyệt và hoàn toàn không đòi hỏi bất kỳ khoản phí nào.
Nền tảng hỗ trợ: web
Giá: miễn phí (lên đến 5 người tham gia)
8. MyTrueCloud My Web Conferences
Ứng dụng mạnh mẽ này có đầy đủ tất cả các chức năng của một hệ thống hội nghị video tương tự như GoToMeeting và WebEx, nhưng nó có thể hoạt động mà không cần phải tải về hoặc đòi hỏi bất kỳ ứng dụng bổ sung khác nào ngoài Flash. Tuy không phải là hệ thống trực quan nhất, nhưng nếu dành một chút thời gian để thử qua các tính năng thì bạn sẽ nhanh chóng làm quen với những điều cơ bản của MyTrueCloud My Web Conferences. Ứng dụng này cho phép dùng thử miễn phí 15 ngày.
Nền tảng hỗ trợ: web
Giá: 15 USD/tháng (tối đa 3 người tham gia); 32 USD/tháng (tối đa 25 người tham gia)
9. TinyChat
TinyChat là một “cộng đồng chat video trực tuyến” và khi vào trang chủ của nó bạn có thể thấy các phòng như #th3s3ductionspot và #sfbootyfactory25 chiếm ưu thế. Dù có thể không được thiết kế để dành riêng cho các cuộc hội họp, nhưng bạn vẫn có thể sử dụng TinyChat cho các mục đích hợp pháp, đặc biệt là các phòng chat video có thể được tạo ra chỉ với hai cú nhấn chuột mà không cần phải đăng ký một tài khoản nào cả. Phiên bản Pro sẽ giúp bạn không bị quấy rầy bởi các mẩu quảng cáo và cung cấp một vài đặc quyền khác.
Nền tảng hỗ trợ: web, iOS, Android
Giá: miễn phí (tối đa 12 người tham gia); 10 USD/tháng cho dịch vụ Pro (không có quảng cáo, chất lượng video được nâng cấp)
10. Fring
Fring là công cụ hội nghị truyền hình duy nhất trên điện thoại di động trong số các ứng dụng cùng được giới thiệu, là một lựa chọn thích hợp cho những người thường xuyên di chuyển. Hệ thống hỗ trợ chat video với tối đa 4 người trò chuyện đồng thời, được sắp xếp trong một giao diện ô lưới thuận tiện trên màn hình của điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Không có nhiều tính năng và thiết kế giản dị, ứng dụng này thực sự chỉ là một cách thú vị cho nhiều người để chit-chat trong khi nhìn thấy hình ảnh của nhau. Fring cũng có thể liên kết với hệ thống điện thoại cố định gọi điện thoại quốc tế có phí chẳng hạn như Skype.
Nền tảng hỗ trợ: iOS, Android, Nokia
Giá: miễn phí (lên đến 4 người tham gia).
Minh Huy
(theo PC World VN)
FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |