Từ thân phận “kẻ tội đồ”, video game đã dần trở thành một chìa khóa mới được Chính phủ Trung Quốc sử dụng để mở ra một kỷ nguyên đột phá đổi mới công nghệ. Tương tự tại Việt Nam, game từ chỗ bị coi là trò giải trí vô bổ đã trở thành một ngành công nghiệp đáng kể, với doanh thu vượt qua con số 500 triệu đô la và đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.
Nhưng liệu ngành game có thể trở thành một trụ cột quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia hay không thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Vào năm 2001, Quang Minh Nhật Báo – một trong ba tờ báo lớn của Trung Quốc – đã đăng bài “Trò chơi máy tính là thứ thuốc phiện điện tử đầu độc trẻ em”. Bài viết này đã giành được giải Nhì Báo chí quốc gia lần thứ 11 của Trung Quốc và là ví dụ tiêu biểu cho quan điểm đầy sự miệt thị mà Chính phủ Trung Quốc dành cho video game vào lúc bấy giờ.
Nội dung
Thành phố Bắc Kinh: “thủ phủ trò chơi trực tuyến quốc tế”
Hai thập niên sau đó, thế cục thay đổi hoàn toàn. Giá trị ngành video game nội địa Trung Quốc đã tăng vọt 229 lần. Vào năm 2023, các nhà phát triển Trung Quốc chiếm 47% doanh thu toàn cầu từ video game trên thiết bị di động. Ngay từ năm 2019, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã ra thông báo về đề án xây dựng trung tâm văn hóa quốc gia, trong đó có việc “thúc đẩy phát triển video game lành mạnh”.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng “thủ phủ trò chơi trực tuyến quốc tế”, đặt mục tiêu hoàn thành nhiều hạng mục như trung tâm nghiên cứu và phát triển video game, trung tâm ứng dụng công nghệ mạng mới, trung tâm nghiên cứu lý thuyết video game và trung tâm phát triển thương hiệu thể thao điện tử (eSports). Năm 2024, trò chơi Black Myth: Wukong (tạm dịch: “Hắc Thần thoại: Ngộ Không”) ra mắt đã nhận được sự ủng hộ chính thức của Chính phủ Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Mao Ninh đã khẳng định sự nổi tiếng của trò chơi “nói lên sức hấp dẫn của văn hóa Trung Hoa”. Có thể thấy từ thân phận “kẻ tội đồ”, video game đã dần trở thành một chìa khóa mới được Chính phủ Trung Quốc sử dụng để mở ra một kỷ nguyên đột phá đổi mới công nghệ.
Bản báo cáo lịch sử
Vào năm 2022, báo cáo Công nghệ trò chơi – nhóm công nghệ mới trong quá trình tích hợp thế giới số và thực tiễn đã đánh dấu bước ngoặt trong quan điểm xây dựng chính sách cho video game của Trung Quốc. Báo cáo do Viện nghiên cứu ngành game và một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đồng thực hiện.
“Công nghệ trò chơi”, theo bản báo cáo là một nhóm công nghệ lần đầu tiên được áp dụng rộng rãi trong video game nhằm cải thiện và làm phong phú trải nghiệm tương tác của người chơi. Nhóm công nghệ này còn góp phần rất lớn cho nhiều ngành công nghệ then chốt, có tiềm năng đem lại lợi thế vượt trội cho Trung Quốc trong công cuộc tích hợp thế giới số và thực tiễn – một điều tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai, mà ví dụ tiêu biểu là siêu vũ trụ (metaverse).
Sự phát triển chóng mặt của công nghệ trò chơi, đặc biệt là các video game 3D phức tạp và có quy mô lớn, cũng kéo theo những tiến bộ trong nhiều loại hình công nghệ khác. Ước tính, công nghệ trò chơi đã đóng góp 46,3% vào sự phát triển của mạng tốc độ cao 5G.
ESports – ngành kinh tế kỹ thuật số quan trọng
Thị trường video game khổng lồ tại Trung Quốc có sự đóng góp rất lớn từ làn sóng eSports đang dâng cao. Vào năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu trong số chín quốc gia góp phần quan trọng nhất để eSports phát triển toàn cầu. Lĩnh vực này nhận được chính sách ưu đãi cả ở cấp độ trung ương và địa phương. Các hoạt động eSports và tuyển thủ bộ môn này hiện được công nhận là các ngành nghề chính thức, có hẳn các khóa học liên quan đến eSports được giảng dạy trong nhiều tổ chức giáo dục. Năm 2023, Thế vận hội châu Á lần đầu có sự góp mặt của eSports và việc Trung Quốc giành vị trí thứ nhất ở hạng mục thi đấu này càng khiến nó trở nên nổi tiếng hơn nữa tại đất nước tỉ dân.
Các nhà hoạch định chính sách cũng coi eSports là động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới và tiêu dùng. Kế hoạch năm năm phát triển ngành văn hóa lần thứ 14 của Trung Quốc nhấn mạnh rằng eSports là một phần của ngành giải trí, đồng thời kêu gọi ứng dụng mạng 5G, AI, thực tế ảo, thực tế tăng cường cùng nhiều công nghệ khác để cải tiến các sản phẩm văn hóa kỹ thuật số cũng như phát triển trải nghiệm mới, chân thực hơn. Chính quyền các thành phố Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến… đã ban hành kế hoạch mở rộng chuỗi ngành eSports, chẳng hạn như liên kết eSports với thương mại điện tử.
Có thể thấy, tuy sở hữu một nền văn hóa truyền thống cực kỳ lâu đời với hơn 5.000 năm lịch sử, song Trung Quốc vẫn thể hiện rằng họ có tư duy đổi mới cực kỳ nhanh nhạy với việc liên tục ban hành và triển khai các chính sách phát triển những ngành công nghệ chủ chốt sẽ làm nên tương lai như công nghệ xanh, xe điện, AI… Video game cũng không phải là ngoại lệ.
Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra rằng video game không phải là “chất gây nghiện” đầu độc tâm hồn giới trẻ mà ngược lại, nếu có chính sách rõ ràng, phù hợp kết hợp với năng lực quản lý, công nghệ – kỹ thuật và trình độ nhân lực cao, ngành này chính là “chìa khóa” để mở ra một thời đại mới, là động lực sáng tạo cho rất nhiều ngành nghề tiên tiến khác.
Tiềm năng phát triển ngành game Việt Nam
Nhìn về Việt Nam, ngành công nghiệp game tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong thập kỷ qua, từ chỗ bị coi là giải trí vô bổ đến nay đã trở thành một ngành công nghiệp đáng kể, với doanh thu vượt qua con số 500 triệu đô la và đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi liệu ngành game có thể trở thành một trụ cột quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia hay không, thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Việt Nam rõ ràng có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong ngành game. Số lượng người chơi trẻ ngày càng tăng, cùng với việc tiếp cận smartphone và máy tính trở nên dễ dàng hơn, đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành. Những thành tựu ban đầu của năm 2023 đã minh chứng cho tiềm năng này.
Một ví dụ nổi bật là trò chơi Thần Trùng của DUT Studio. Dù chỉ là sản phẩm của một studio nội địa, nhưng Thần Trùng đã nhanh chóng đạt vị trí tốp 1 xu hướng trên Steam ngay trong ngày ra mắt, thậm chí vượt qua các tựa game nổi tiếng toàn cầu như Dota 2 và GTA V. Với 97% phản hồi tích cực từ người chơi, Thần Trùng đã khẳng định rằng các sản phẩm game “Made in Vietnam” hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thể thao điện tử eSports tại Việt Nam cũng đang ghi nhận những bước phát triển ấn tượng. Trong 10 năm qua, các đội tuyển eSports Việt Nam đã không chỉ dừng lại ở khu vực Đông Nam Á mà còn vươn ra cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu thế giới. Tại SEA Games 31, đoàn eSport Việt Nam đã xuất sắc giành được bốn huy chương vàng và ba huy chương bạc, chứng tỏ vị thế ngày càng lớn mạnh của ngành eSports trong nước. Theo Sách trắng Thể thao điện tử Việt Nam 2021, với hơn 18 triệu người chơi, eSports Việt Nam đang sở hữu một nền tảng tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Sự phát triển của các phòng máy cybercafe và các giải đấu như National Student Open Cup cũng đã góp phần thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa trong ngành game. Với sự tham gia của hơn 100 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, những sự kiện này không chỉ giúp cộng đồng game thủ giao lưu mà còn mở ra cơ hội cho những tài năng trẻ trong ngành.
Mặc dù ngành game tại Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, như sự lo ngại của các bậc phụ huynh và một số quan điểm tiêu cực trong xã hội, nhưng không thể phủ nhận rằng, với sự quản lý tốt hơn từ chính sách nhà nước và sự thúc đẩy từ các hiệp hội game, ngành công nghiệp này đang ngày càng chiếm được sự công nhận. Điều này mở ra cơ hội cho game trở thành một ngành công nghiệp có đóng góp ý nghĩa vào GDP quốc gia trong tương lai.
Tuy còn khoảng cách với những thị trường game lớn như Trung Quốc, nhưng với đà phát triển hiện tại, ngành game Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ quốc tế. Trong tương lai không xa, chúng ta có thể chứng kiến ngành game trở thành một nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.
Amy Nguyễn – Hữu An
(theo Kinh tế Sài Gòn)
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |