(Post 26/01/2007) Việc trao đổi thông tin thật đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể đưa thông tin lên mạng để chia sẻ và mọi người đều có quyền tham gia cập nhật. Một môi trường mở thật sự. Những năm qua chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của nhiều dạng trao đổi thông tin điện tử, như thư điện tử (email), tin nhanh (Instant Messaging), trang web HTML… Gần đây xuất hiện thêm một dạng mới với tốc độ phát triển rất nhanh đó là blog (hay weblog) và wiki. Thật khó có người dùng Internet nào hiện nay lại không nghe nói đến từ “blog”; wiki dường như “thầm lặng” hơn người anh em blog, nhưng nó được xem là phương thức chia sẻ thông tin đầy triển vọng, có khả năng bao trùm cả blog và forum.

Wiki là gì?

Wiki là ứng dụng web cho phép người dùng tự do tạo và chỉnh sửa nội dung bằng trình duyệt web bất kỳ và không cần công cụ đặc biệt nào khác, không cần kiến thức về lập trình hay HTML. Nói một cách đơn giản hơn, wiki là kho dữ liệu trực tuyến dùng chung cực kỳ đơn giản, kết hợp nỗ lực và tri thức của nhiều người để tạo ra nguồn thông tin tốt hơn của bất kỳ cá nhân nào.

Theo WikiWikiWeb (http://c2.com/cgi/wiki), “Ý tưởng wiki thoạt đầu có vẻ kỳ lạ… Wiki là một hệ thống tổng hợp; nó là phương tiện thảo luận, là kho dữ liệu, là hệ thống mail, là công cụ cộng tác. Thật khó xác định rõ ràng wiki là gì, nhưng có điều chắc chắn đây là phương thức tiện lợi cho việc trao đổi thông tin trên mạng”.

Chữ Wiki với chữ hoa W thường được dùng để chỉ WikiWikiWeb (Porland Pattern Repository) chuyên về lập trình do Ward Cunningham xây dựng vào tháng 3/1995. Khi tìm kiếm phương thức để mọi người chia sẻ thông tin cho quá trình phát triển phần mềm, Ward đã xây dựng cái gọi là Patterns List (Danh sách mẫu thiết kế) và kêu gọi mọi người tham gia đóng góp những suy nghĩ, mẫu thiết kế và kinh nghiệm về lập trình. Danh sách này trở thành wiki đầu tiên trên thế giới.

Chữ wiki với chữ thường w được dùng với nghĩa chung, có nguồn gốc từ Hawaii (wiki wiki) nghĩa là nhanh – đúng như phương thức làm việc của wiki.

Phương thức wiki làm việc

Một trang nội dung trong wiki được gọi là “trang wiki”, giống như bất kỳ trang web nào (bạn có thể viếng thăm một trang wiki mà thậm chí không nhận biết đó là wiki). Toàn bộ các trang wiki (tạo thành wiki) được nối kết chặt chẽ với nhau thông qua các siêu liên kết, đây thực sự là cơ sở dữ liệu quan hệ đơn giản.

Hầu hết wiki đều có tên (“Title”) để tìm kiếm. Tất cả wiki cũng đều có sẵn tính năng tìm kiếm và có khả năng tìm các trang khác liên kết đến trang hiện tại.

Cập nhật

Wiki cho phép nhiều người tham gia cập nhật thông tin thông qua trình duyệt web, dùng ngôn ngữ định dạng đơn giản và thân thiện. Hầu hết wiki cho phép mọi người tham gia cập nhật mà không yêu cầu đăng ký tài khoản, nhưng cũng có một số wiki (hay một số trang wiki) yêu cầu đăng nhập để xác thực.

Dấu hiệu quan trọng của wiki đó là đa phần liên kết trong trang xuất hiện ở dạng cụm từ dính liền và đầu từ dùng chữ hoa, được gọi là dạng “CamelCase” (“camel” nghĩa tiếng Việt là lạc đà, cụm từ này được dùng từ hình tượng các bướu trên lưng lạc đà). Mỗi trang đều có liên kết “EditText” (hoặc “Edit” hay “Edit this page”…) để chỉnh sửa nội dung – một lời mời hiếm thấy ở các trang web khác.

Khi bạn nhấn vào “EditText”, hộp thoại chỉnh sửa văn bản sẽ xuất hiện và bạn có thể thực hiện các thao tác cắt/dán, cập nhật nội dung. Hầu hết wiki đều có hướng dẫn cập nhật và trang SandBox để bạn làm quen trước khi chỉnh sửa trang thực. Có một số qui tắc định dạng văn bản, trong đó quan trọng nhất là tạo liên kết đến trang khác: bạn chỉ việc nhập tên trang đích (cần liên kết đến) theo dạng “CamelCase” và mã liên kết (HTML) được tự động sinh ra ở server. Ngoài ra còn có các dạng liên kết tự do hơn như “gạch_dưới” hay “khoảng trắng” sử dụng các ký tự bao đặc biệt như “[ ]”, “{ }”…. Bạn có thể tạo liên kết không chỉ đến các trang trong wiki mà còn có thể đến các trang ngoài (trong trường hợp này bạn phải dùng địa chỉ URL đầy đủ thay vì tên trang).

Kiểm soát thay đổi

Wiki làm việc theo tinh thần dễ sửa lỗi thay vì khó tạo lỗi. Nó có phương thức kiểm tra tính hợp lệ của những phần mới cập nhật. Hầu hết wiki đều có phần “Recent Changes” – liệt kê những chỉnh sửa gần nhất hay trong một khoảng thời gian nào đó. Một số wiki có khả năng sàng lọc danh sách này để loại bỏ những chỉnh sửa vụn vặt hay chỉnh sửa tự động bởi script (chống phá hoại).

Có hai tính năng khác có thể truy cập ở hầu hết wiki: Revision History cho phép hiển thị và khôi phục phiên bản trước đó của trang; tính năng Diff nêu bật những khác biệt giữa 2 phiên bản để người dùng quyết định có cần thiết hay không.

TỰ TẠO WIKI

Về mặt kỹ thuật, việc thiết lập một site wiki khá đơn giản, chương trình wiki mã mở ban đầu đã được “nhân bản” cho nhiều ngôn ngữ lập trình – từ ASP đến Zope. Còn nếu bạn không muốn bận tâm đến vấn đề kỹ thuật thì đã có các “WikiFarm” giúp bạn tạo wiki. Ở đây chúng tôi giới thiệu một số công cụ wiki khá nổi tiếng để bạn tham khảo.

JotSpot: Wiki không code

Dịch vụ JotSpot là mẫu mực của nền tảng phát triển wiki gần như hoàn hảo, tuy chỉ mới là bản beta.

Đây là giải pháp tuyệt vời cho tất cả các dạng cộng tác, từ cập nhật tài liệu và quản lý dự án đến mạng intranet và extranet. JotSpot không chỉ dễ dùng mà còn có nhiều tính năng hơn so với nhiều wiki khác.

Người mới làm quen không cần học một ngôn ngữ đánh dấu chuyên biệt, trình soạn thảo tích hợp xử lý việc định dạng và mã lệnh bên dưới, việc liên kết đến trang khác chỉ yêu cầu nhập tên trang. Tuy nhiên, người dùng kinh nghiệm có thể chuyển sang chế độ XHTML hay WikiMarkup để tạo thêm nhiều định dạng.

Việc tích hợp là một điểm mạnh khác. Ví dụ, mỗi trang có một “hộp thư” để nhận nội dung đóng góp; thư đến được tự động đính kèm, lập chỉ mục và tổ chức lưu trữ. Các tập tin Word và Excel cũng được lập chỉ mục cho mục đích tìm kiếm. Ngoài ra, cũng đóng vai trò như một hệ thống quản lý nội dung, JotSpot có cơ chế quản lý phiên bản và cấp quyền rất tốt, cho phép bạn khôi phục các phiên bản trước và xác định người dùng nào được phép đọc và cập nhật những trang nhất định.

Wiki thường bị phê phán là hệ thống không có cấu trúc. Điều khác biệt của JotSpot là nó cho phép bạn đi từ một wiki text không cấu trúc sang một ứng dụng đặc thù chỉ với một vài dòng lệnh.

Chỉ trong vài phút, bạn có thể tạo một form dùng mã lệnh script đơn giản. Cùng khoảng thời gian như vậy, bạn có thể tạo các bảng động với menu thả xuống để hiển thị và cập nhật dữ liệu. Với JotSpot, bạn không bị giới hạn chỉ sử dụng thông tin của mình. Bạn có thể hiển thị bản đồ từ MapQuest, lấy kết quả tìm kiếm từ Yahoo News và thậm chí có thể xem dữ liệu Salesforce.com ngay trong trang của mình.

Thư viện ứng dụng của JotSpot rất phong phú. Cần ứng dụng văn phòng hay quản lý quan hệ khách hàng? Chỉ việc duyệt tìm trong thư viện, nhấn nút cài đặt và nó sẽ được nạp vào wiki của bạn và bạn có thể chỉnh sửa. Ngoại trừ một vài tính năng soạn thảo còn thiếu, JotSpot có thể sẽ là dịch vụ đáng giá nếu bạn muốn tạo ứng dụng liên quan đến wiki.

TWiki: Mã mở với khả năng cộng tác

TWiki, một dự án mã nguồn mở, là một wiki có cấu trúc được viết bằng Perl. Cộng đồng phát triển năng nổ của TWiki đã đóng góp nhiều ứng dụng web xây dựng trên thư viện API của nó, đem đến những giải pháp linh hoạt cho quản lý tài liệu, cơ sở tri thức hay diễn đàn trao đổi.

TWiki có các chức năng như liên kết tự động đến trang web khác, tìm kiếm, email thông báo khi nội dung thay đổi, và khả năng tải lên (và tải xuống) tập tin. Do TWiki chú trọng đến việc thiết lập cấu trúc cho website, các trang được tự động nhóm lại, giúp dễ dàng tạo các nhóm cộng tác. Những ai có kỹ năng lập trình có thể dùng các biến để tạo trang động, như bảng nội dung hay trang kết quả tìm kiếm nhúng bên trong. Khả năng cấp quyền cho phép người quản trị giới hạn việc truy cập đọc và ghi cho các bộ phận liên quan.

Hệ thống template tiện lợi của TWiki cho phép bạn thay đổi giao diện các trang nội dung, bạn có thể dùng các thư viện plug-in để làm cho site hấp dẫn hơn, tuy nhiên việc này đòi hỏi một ít kỹ năng lập trình. Ví dụ, tiện ích Headlines cho phép hiển thị nguồn tin RSS, và plug-in CSDL cho phép truy cập CSDL MySQL để cập nhật thông tin. Các chức năng bổ sung khác gồm lập lịch, vẽ biểu đồ, và công cụ giám sát tiến độ thực hiện công việc.

Mặc dù không có hỗ trợ chính thức, TWiki có nền tảng cộng tác khá tốt, vì vậy bạn có thể dễ dàng nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng người dùng. Tuy không phải là giải pháp “trao tay” nhưng TWiki có giao diện thân thiện hơn so với một số phần mềm làm việc nhóm (groupware) thương mại. TWiki được phân phối dưới bản quyền GNU General Public License.

Chống phá hoại

Tính mở của wiki – cho phép bất kỳ ai cũng có quyền chỉnh sửa nội dung – tạo nên môi trường tự kiểm soát, vì mỗi thay đổi đều được ghi lại và người dùng có thể kiểm soát lẫn nhau. Tuy nhiên không đảm bảo rằng những người cập nhật đều có ý tốt. Nhiều wiki tránh dùng qui trình đăng ký bắt buộc; tuy nhiên các wiki lớn (như MediaWiki, UseModWiki, TWiki) đều có cách giới hạn việc cập nhật, chẳng hạn như chặn theo địa chỉ IP hay tên đăng nhập.

Trong trường hợp khẩn cấp, một số wiki cho phép chuyển sơ sở dữ liệu sang trạng thái chỉ đọc, một số wiki khác áp dụng chính sách chỉ cho phép một nhóm người dùng (như nhóm quản trị) được phép chỉnh sửa. Nói chung, bất kỳ hành động cố ý phá hoại nào cũng đều có thể khôi phục nhanh chóng và dễ dàng.

Wiki so với Blog

Blog và wiki là những phương thức linh hoạt cho phép dễ dàng tạo và chia sẻ thông tin trên web. Nhiều người nghĩ rằng chúng là một, mặc dù thường được nói đến chung với nhau, nhưng blog và wiki có những điểm khác nhau quan trọng.

Về bản chất, blog có tính cá nhân còn wiki vốn có tính cộng tác và mở. Thoạt đầu, blog được phát triển ở dạng nhật ký trực tuyến nhằm đưa những suy nghĩ cá nhân. Blog giống như một cuộc thuyết trình, dạng thông tin “một-nhiều”: một người phát biểu và những người khác có thể góp lời bình nhưng không được phép thay đổi nội dung. Trong khi đó wiki là môi trường cộng tác “nhiều-nhiều”: mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến và cập nhật nội dung. Trên wiki, mọi người cố gắng đưa thông tin không thiên kiến, tìm kiếm sự đồng tâm để tạo thông tin có giá trị lâu dài; những chủ đề trao đổi trên wiki không nhằm mục đích tiêu khiển hay cá nhân như blog.
Về cấu trúc, blog một chiều còn wiki hai chiều. Đơn vị cơ bản của blog là tin hay thư (post); các tin gửi theo thời gian làm blog ngày càng “cao”. Đơn vị cơ bản của wiki là trang; việc thêm trang làm wiki nở “rộng” và khi trang được cập nhật theo thời gian, wiki “cao” lên.

Wiki không “lệ thuộc” thời gian như blog, bạn có thể dễ dàng quay lại một chủ đề wiki bất kỳ lúc nào và nhanh chóng có được thông tin mà bạn quan tâm nhất. Do đặc trưng của blog, các tin được liệt kê theo thời gian (ngược) và vì thế bạn luôn có tin mới nhất nhưng có thể không phải quan trọng nhất.

Bạn có thể dùng công nghệ wiki để tạo blog (tuy điều này không được cộng đồng wiki ủng hộ) nhưng bạn không thể dùng công nghệ blog để tạo một wiki thật sự.

Kết luận

Wiki đem đến môi trường mở, cung cấp những gì tốt nhất của một diễn đàn trao đổi thông tin trực tuyến. Để wiki thành công, cần có sự cộng tác thật sự. Nó thuộc về người dùng, là “của chung” trong khi blog có thể thuộc sở hữu riêng.

Blog ra đời đã tạo nên sự bùng nổ trên Internet vì việc đưa tin lên web dễ dàng và người ta nhanh chóng nhận thức lợi ích của việc chia sẻ thông tin. Wiki đem đến môi trường trao đổi thông tin linh hoạt và thuận tiện hơn blog. Ưu điểm của wiki đó là dễ sử dụng, cho phép người dùng dễ dàng đưa thông tin lên web và dễ dàng cập nhật. Điều này giúp cho nội dung luôn phát triển và hoàn thiện.

Không chỉ là phương tiện trao đổi thông tin, wiki còn là phương tiện để xây dựng cơ sở tri thức. Wiki nổi tiếng nhất hiện nay là Wikipedia (wikipedia.org), kho bách khoa toàn thư trực tuyến (miễn phí) có đầy đủ những tính năng wiki đặc trưng. Wikipedia có thể sẽ giúp đánh bóng cái tên “wiki” và có thể làm thay đổi cán cân tương quan so với “blog”. Theo số liệu báo cáo tháng 5/2005 của Hitwise (www.hitwise.com, tổ chức chuyên về xếp hạng các website), Wikipedia có mức phát triển trên 600% so với đầu năm 2004, chiếm vị trí thứ hai trong số các website tham khảo được truy cập nhiều nhất tại Mỹ, đứng trên cả Encarta (encarta.com) của Microsoft và About.com của New York Times.

BLOG VÀ WIKI SẼ THAY THẾ EMAIL VÀ PR?

Email và IM (tin nhanh) vẫn là những công cụ trao đổi thông tin được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, sau khi thông điệp đã được gửi đi và được đọc, nó thường rơi vào thế giới vô định và không bao giờ được dùng lại. Một số thông tin giá trị có thể thất lạc trong hàng ngàn email của hộp thư lộn xộn hay trong mớ tin nhanh, nhiều thông tin hữu ích có thể “mắc kẹt” trong đống tài liệu hay cơ sở dữ liệu rời rạc trong mạng nội bộ. Để giúp dễ dàng cho việc trao đổi thông tin, nhiều công ty đang bắt đầu chuyển sang dùng phương thức cộng tác mới: blog và wiki.

Đối ngoại

Blog và wiki là những phương thức linh hoạt, giúp dễ dàng tạo và chia sẻ thông tin, cũng như giúp cho các công ty giao tiếp hiệu quả với khách hàng, đối tác và công chúng.

Lợi ích hiển nhiên nhất của blog và wiki trong môi trường làm việc cộng tác là ở chỗ mọi người có thể dễ dàng phát biểu những suy nghĩ của mình, giống như blog cá nhân truyền thống nhưng có thêm những thông tin về công việc. Trên tạp chí Economist số ra ngày 10/2/2005, Robert Scoble của Microsoft đã dự báo về khả năng blog sẽ đảm nhận vai trò đối ngoại (PR – Public Relationship) cho các công ty. Những người đứng đầu các công ty lớn như chủ tịch Intel – Paul Otellini, chủ tịch Sun Microsystems – Jonathan Schwartz hiện cũng sử dụng blog để trình bày suy nghĩ của mình với thế giới. Các công ty đã nhận thức rằng họ cần giải thích về công việc của mình với thế giới, và họ cũng cần có một diễn đàn để biết được khách hàng, đối tác và nhà đầu tư nghĩ gì. Cả blog và wiki đều là phương tiện hữu ích để cung cấp thông tin và thu thập phản hồi.

Đối nội

Ứng dụng nội bộ của wiki và blog cũng rất phong phú. Có lẽ dễ thấy nhất là dùng blog làm phương tiện thông báo trong nội bộ. Từ công việc đến tiệc tùng, blog có thể giúp mọi người luôn nắm bắt thông tin mới nhất. Người làm việc bán thời gian hay đi công tác xa cũng có thể biết được thông tin. Blog giúp cắt giảm lưu lượng email và không ai bị vô tình bỏ sót trong danh sách nhận thư.

Hiện tại, có quá nhiều luồng thông tin đi qua email. Điều này dẫn đến một số vấn đề, như khó khăn trong việc xử lý spam hay bỏ sót thư quan trọng trong hàng đống thư nhận mỗi ngày. Với thông tin tập trung trên blog hay wiki, và với công nghệ RSS, vấn đề được giải quyết phía server, giảm được gánh nặng cho người dùng.

Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu kỷ nguyên của blog và wiki, các công cụ này vẫn đang tiếp tục phát triển và đến một lúc nào đó (có thể sẽ không lâu) chúng sẽ trở nên phổ biến như email hiện nay.

Phương Uyên

THAM KHẢO

WorldWideWiki: SwitchWiki hiện có danh sách hơn 1000 wiki.

Danh sách wiki lớn nhất có thể tìm thấy ở Meatball: Biggest wikis

Một cách để tìm wiki có chủ đề mà bạn quan tâm là lần theo Wiki Node Network (Wikipedia:WikiNode).

(theo PC World VN)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96