(Post 26/01/2006) Nguyễn Ngọc Điệp nguyên là cựu sinh viên khóa HDSE 2002-2004 của trung tâm FPT Aptech HN. Hiện Điệp đang theo học ngành CNTT tại đại học Southern Cross (Úc). Những ngày du học xa xứ, tình cảm nồng ấm của bè bạn quốc tế, sự chia sẻ tương thân tương ái của những người bạn Aptechite ở đất nước xứ sở Căng gu ru đã để lại cho bạn những ấn tượng khó phai…
Mở đầu
Phố núi nhỏ Lismore thật đẹp vào những ngày đầu xuân. Những đồi cỏ xanh mướt bồng bềnh. Những cành hoa Jacharanda tím hồng rực rỡ trong ánh nắng xuân ấm áp. Cảnh vật mới nên thơ làm sao. Vậy mà, cánh SV Việt Nam chúng tôi đã hơn một tháng nay ít ai cảm nhận được cái sự nên thơ ấy. Mọi người đều ngứa con mắt bên phải vì bài tập lớn, đỏ con mắt bên trái vì chuẩn bị tham dự một sự kiện lớn chưa từng có, ngày sinh viên quốc tế của trường Southern Cross.
Mục đích chính của sự kiện là tạo ra một ngày hội để sinh viên quốc tế (bao gồm cả SV Úc) giao lưu văn hoá, ẩm thực và nghệ thuật. Đây là ngày hội lớn của trường nên mọi việc được chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Cách chúng tôi (cả trường) họp và lên kế hoạch cho ngày hội vừa nghiêm túc lại vừa cởi mở và thân mật. Mọi sinh viên đều được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến từ việc trang trí ngoại cảnh, lăng xê quảng cáo cho đến gây quỹ tài trợ. Khi các yếu tố tổ chức đã sơ bộ hình thành, những sinh viên tham dự nhóm lại với nhau theo từng nước đăng ký cho gian hàng (trình bày là chính, không mua bán) và tiết mục biểu diễn nghệ thuật của nước mình. Nhóm Việt Nam chúng tôi đăng ký một gian hàng cỡ lớn và hai tiết mục biểu diễn bao gồm múa hát trống cơm và nhảy sạp – những tiết mục truyền thống của Việt Nam.
Tập luyện
‘Nuôi quân trong nghìn ngày, chỉ dùng trong một sớm’. Câu nói của người xưa đề cao tính quan trọng trong sự chuẩn bị. Chúng tôi quán triệt tuyệt đối câu nói này. Tất cả các yếu tố từ nhân lực, tài chính (được trường tài trợ), thời gian, trang phục, biên đạo múa, ca từ, vật liệu (cọc tre để nhảy sạp) và tập luyện đều được tính toán và dự trù. Để múa hát trống cơm chúng tôi cần 6 người biểu diễn, thế nhưng để nhảy sạp chúng tôi cần những 14 người (8 người gõ sạp) trong khi nhóm chúng tôi chỉ có 12 người cả thảy. Cũng may, tại ký túc có vài bạn Thái Lan và Trung Quốc xinh tươi (toàn gái – có thể do các Aptechite đa số là nam chăng?!) rất sẵn lòng giúp đỡ từ lúc luyện tập cho tới ngày biểu diễn. Về trang phục, chúng tôi đã phải lên tận Brisbane năn nỉ các liền anh, liền chị trên đó cho mượn vài bộ áo tứ thân và áo the khăn đống. Cuối cùng, áo bốn (tứ) thân không có nổi một và chúng tôi đã phải để các đào bận áo dài. Dù không truyền thống bằng, nhưng cũng không kém phần đặc thù. Tuy nhiên, công việc khiến chúng tôi xì-trét nhất lại là tập ca múa.
Những chất giọng thiên phú vốn dùng để hò hét khi đá bóng hay đỏ mặt cãi nhau trong những buổi tranh luận (debate) nơi giảng đường thì nay lại được dùng thể hiện những làn điệu dân ca trữ tình êm ái. Dù vậy, có công mài sắt ắt có ngày nên que. Khi câu hát ‘tình bằng có cái trống cơm’ thét lên dù đúng điệu tuy hơi có phần khiên cưỡng giữa đêm khuya thanh vắng, làm cho ông hàng xóm Nadir (đến từ đảo Sicil, Ý) sang gõ cửa góp ý thì cũng là lúc chúng tôi nhìn nhau hiểu rằng mình đã thành công. Hỏa hầu công lực (ý nói độ khỏe) của câu hát đã làm rúng động tâm can người nghe; như vậy chẳng phải là truyền cảm, hay có tác dụng biểu cảm rồi hay sao?!
Xì-trét một cách thú vị hơn nữa là phần tập múa. Lộc, chàng vũ sư trẻ tuổi đến từ Aptech Đà Nẵng, là nhà biên đạo múa của nhóm. Điệu múa trong bài Trống Cơm chúng tôi biểu diễn là do Lộc chỉnh sửa có sáng tạo từ những vũ điệu truyển thống Việt Nam pha lẫn với chút hương vị cổ điển của valse, hiện đại của cha-cha-cha và la-tinh bốc lửa của lam-ba-đa. Điều này đã khiến mọi người (kép nhảy, hay vũ công của phần biểu diễn múa hát) đi hết từ bất ngờ này đến bất đồng khác. Cá nhân tôi thì thấy cái điệu này giống như cái điệu Bạo Vũ Đả Lê Hoa nào đó trong phim kiếm hiệp Kim Dung. Thật tình mà nói cả nhóm mới chỉ được làm quen với khiêu vũ hai tuần trước đó mà người dạy nhảy không phải ai khác cũng chính là vũ sư Lộc. Một cách can đảm chúng tôi chấp nhận và từ đó tiếp thu rất nhanh vũ điệu Trống Cơm tân thời này. Những bước nhảy càng lúc càng dứt khoát, chính xác mà không kém phần lả lướt. Những câu hát mỗi lúc một trau truốt, ngân nga, luyến láy mà thỉnh thoảng lại đứt quãng đột ngột một cách đầy dụng ý nghệ thuật. Ngày biểu diễn đã gần kề, chúng tôi tập luyện ngày một thành thục và tự tin hơn.
Biểu diễn
Ngày biểu diễn đã tới. Sáng sớm hôm đó, tôi cuốc bộ hơn 2 cây số từ ký túc đến một căn nhà gỗ ọp ẹp có tên gọi Hắc Điếm, nơi ở của sáu gã Aptechite (ngạc nhiên chưa) tự nhận đó là đại bản doanh của cộng đồng người Việt Nam ở Lismore. Cánh đào kép chúng tôi hôm đó bao gồm sáu người. Các kép (nam — bao gồm anh Kỳ, Sonny và tôi) thì không đáng nói, nhưng các đào (nữ — bao gồm chị Huệ, chị Liên và Vi) thì quả thực là đáng vinh hạnh cho các kép vì ba nàng là những người phụ nữ đẹp nhất Việt Nam ở Lismore. Trong khi đó, việc chuẩn bị cho gian hàng và thiết bị âm thanh được các Aptechite khác đảm nhiệm một cách chu đáo. Khi mọi việc đã chu tất, chúng tôi đi bộ đến Plaza (khoảng sân rộng có nhiều quán xá và vui chơi giải trí của sinh viên) nơi mà sân khấu đang được chuẩn bị. Các gian hàng xung quanh sân khấu đã được dựng ngay ngắn với mái che, bàn và ổ cắm điện cho từng gian. Chúng tôi lại tất bật bày biện và trang trí cho gian hàng. Ngay bên cạnh gian hàng Việt Nam là gian hàng của các bạn Thái Lan, các bạn cũng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.
Giờ G đã điểm. Cả nhóm chúng tôi hồi hộp trước tiết mục biểu diễn đầu tiên của ngày hội. Sau khi một ông béo (thành thực xin lỗi là vì tôi không tài nào nhớ nổi tên và chức danh) lên đọc diễn văn khai mạc, tôi cũng lên sân khấu run rẩy đọc vài lời giới thiệu cho màn biểu diễn trống cơm.
Cả sân khấu bỗng im phăng phắc. ‘Đôi con mắt ấy mấy lim (i ỉm ìm) dim’ – Câu hát Việt Nam đằm thắm ngân lên trong bầu không khí nồng ấm giữa bao bạn bè quốc tế. Từ hai phía, ba cặp áo dài, áo the thướt tha buông ra sân khấu, quấn lấy nhau tình tứ mà ý nhị, dập dìu như những cánh bướm mùa xuân. Bắt gặp được những ánh mắt động viên, hoà đồng từ phía khán giả, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và thi triển những thức (động tác) của bài vũ đạo Trống Cơm tân thời cho đến cuối cùng một cách hoàn hảo. Tất cả mọi người có mặt ở lễ hội vỗ tay nhiệt liệt và không tiếc lời khen ngợi làm cho cả nhóm vui sướng; ai nấy dung tích khoang mũi tăng thêm 30%. Cả nhóm nắm tay nhau rời sân khấu về phía gian hàng của mình, trong lòng hoan hỉ chia sẻ với nhau chung một ý nghĩ: “nhiệm vụ thứ nhất đã hoàn thành”. Cảm ơn tất cả các bạn khán giả.
Sau tiết mục khai mạc thành công ngoài sức tưởng tượng nhờ sự cổ vũ tích cực của khán giả là chủ yếu, chúng tôi trở về gian hàng nghỉ ngơi và hoà mình vào bầu không khí rôm rả của ngày hội. Có hơn 12 gian hàng lớn nhỏ của các bạn SV đến từ mọi nơi trên thế giới như: Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Bangladesh, Tahiti, Nigeria, Iceland… và tất nhiên là cả Việt Nam. Mỗi gian hàng đều được trang trí để thể hiện những hình ảnh, những nét văn hoá đặc trưng nhất của đất nước mình. Và hơn cả là nụ cười luôn nở trên môi của tất cả mọi người khi chúng tôi đến thăm gian hàng của nhau. Mọi người được tận mắt chứng kiến và thưởng thức nghệ thuật thư pháp của Trung Quốc, những bộ lễ phục sặc sỡ đủ màu của con gái Thái Lan và món cà-ri cay xè nổi tiếng của Ấn Độ. Cũng phải nói rằng món gỏi cuốn bánh đa của Việt Nam là hàng hot số một tại ngày hội hôm đó. Có hơn 20 người đến hỏi thăm món gỏi cuốn khi món đó đã hết sạch làm chúng tôi phải nói lời ‘sorry’ trong vẻ mặt tự hào khôn tả.
Đan xen giữa thời gian giao lưu ở các gian hàng là những tiết mục trình diễn nghệ thuật khác. Trong số đó, có nhiều tiết mục ‘bán nghiệp dư’ như chúng tôi nhưng cũng có nhiều tiết mục thực sự chuyên nghiệp vì trường SCU cũng có cả khoa nhạc. Điển hình trong những phần biểu diễn chuyên nghiệp là màn ‘Healing Rap’ của chàng raper người Úc tên Mark. Bài biểu diễn của Mark đã khiến nhiều người trong đó có tôi phải thay đổi lại quan điểm của mình về thể loại nhạc này. ‘Healing Rap’ là thứ nhạc rap hàn gắn con người, khơi gợi sự đồng cảm chứ không như thứ ‘Swearing Rap’ toàn chửi bới như chúng ta biết hiện nay. Thú vị là, trong ngày hôm đó, chàng Mark không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào đã bị ‘xét đánh’ khi nhìn nàng hoa hậu Aptechite xinh đẹp (duy nhất có một nữ Aptechite ở Lismore) Tường Vi nhà ta trong lúc biểu diễn Trống Cơm. Điều này khiến các chàng Aptechite vừa tự hào lại vừa căng thẳng mà không hiểu vì sao.
Kết thúc
Thời gian trôi qua thật nhanh, chẳng mấy chốc chúng tôi đã lại phải lên sân khấu cho tiết mục nhảy sạp. Khác với hầu hết các tiết mục nghệ thuật khác, nhảy sạp của Việt Nam được đánh giá là có tính xã hội hoá sâu sắc. Sau khi biểu diễn những màn nhảy sạp cơ bản rồi nâng cao, chúng tôi mời tất cả mọi người có mặt trong ngày hội vào nhảy cùng. Người thì háo hức, người thì rụt rè nhưng ai cũng tò mò kết quả là không một ai chịu rời sạp sau khi đã nhảy qua nhảy lại tới hơn cả chục vòng. Xin được đặc biệt cảm ơn các bạn đã gõ sạp cho chúng tôi; đặc biệt là bạn Bảo-điên (cựu Aptechite) đã gõ tích cực tới mức không cần quan tâm đến cổ chân và mắt cá của các bạn nhảy.
Ngày lễ hội kết thúc trong bầu không khí cảm động trong những vòng tay bè bạn, những nụ hôn và tất nhiên là những nụ cười rạng rỡ. Chúng tôi còn truyện trò huyên náo với nhau trên suốt chặng đường về. Bầu trời dường như xanh hơn, gió như mát hơn mà đường về thì như ngắn lại. Có lẽ ngày hội tuyệt vời của chúng tôi hôm nay đã làm thu hẹp mọi khoảng cách, khoảng cách của không gian, khoảng cách của thời gian và khoảng cách từ mỗi trái tim. Trong đó có những Aptechite chúng tôi.
Nguyễn Ngọc Điệp
FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |