Chào tháng 10, tháng của những “bông hồng” rực rỡ, cùng chúng mình gặp nữ sinh Diệp Cẩm Ly để tìm hiểu hành trình quyết định vượt 1972km từ Hà Giang đến TP. Hồ Chí Minh học Lập trình tại FPT Aptech của cô nàng 2k4 xinh đẹp nhé!
Coder Profile:
- Họ và tên: Diệp Cẩm Ly
- Năm sinh: 2004
- Sinh viên lớp: T1.2208.A2
PV: Chào Diệp Ly, thật tò mò, tại sao một cô gái Hà Giang xa xôi như em lại quyết định chọn học Lập trình ở FPT Aptech cơ sở TP. Hồ Chí Minh mà không phải là Hà Nội?
Thời điểm chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3, trong thời gian đăng ký nguyện vọng, em phân vân lắm, không biết nên theo học chuyên ngành nào. Gia đình em lúc đó cũng định hướng một số ngành con gái hay theo học như Kinh tế nhưng em lại không thích.
Thế rồi, anh họ em cũng đang làm về lĩnh vực Lập trình tư vấn em theo học ngành này tại FPT Aptech, em cảm thấy phù hợp nên quyết định đăng ký luôn. Em chọn học cơ sở TP. Hồ Chí Minh phần vì có người thân trong này, phần vì mong muốn được khám phá trải nghiệm môi trường hoàn toàn mới.
PV: Ngày đầu mới theo học Lập trình tại FPT Aptech, Diệp Ly có bị choáng ngợp và gặp nhiều khó khăn không?
Tất nhiên là có rồi ạ. Em vốn không phải là người rành máy tính, chưa biết gì về Lập trình nên những ngày đầu theo học với em thực sự khó khăn. Những khó khăn ấy như nhân đôi khi đi học, em còn phải làm quen với sự khác biệt vùng miền và giọng nói. Những ngày đầu, chỉ cần lơ là đôi lúc là em không hiểu thầy cô đang giảng gì, phải tập trung cao độ để lắng nghe.
Thật may, tiếp xúc nhiều rồi dần em cũng quen, hơn nữa trên lớp thầy cô và các bạn cũng hỗ trợ em nhiều, chỗ nào code lỗi, hoặc code chưa ra thì có thể nhờ các bạn hoặc cô sửa lỗi giúp. Rồi cuối tuần rảnh, anh họ em cũng phụ đạo thêm, những khó khăn ấy cũng qua.
PV: Với Ly, điều em cảm thấy thích nhất trong suốt thời gian học FPT Aptech vừa qua là gì?
Điều đầu tiên em thích nhất là trường mình học nhanh đi làm sớm và học tập trung vào chuyên ngành, đặc biệt là được thực hành nhiều, chứ đi học mà chỉ nghe lý thuyết suông em cảm thấy rất khó tiếp thu. Tiếp đến là thầy cô và các bạn thì thân thiện gần gũi, nhiều lúc thầy cô nhắc làm bài tập ở nhà liên tục mà làm em nhớ lại hồi đi học phổ thông các thầy cô hay nói câu “học cho các em hay học cho tôi”.
Hồi mới vào học em còn rụt rè, ngại giao tiếp, nhưng trải qua 2 kỳ học và làm đồ án cùng nhau, em và các bạn trong lớp cũng thân thiết với nhau hơn.
PV: Có kỷ niệm nào vui trong quá trình học mà Ly nhớ nhất, có thể kể cho mọi người được không?
Vui nhất với em có lẽ là khi thi Cuộc thi Công nghệ toàn cầu Techwiz, em học hỏi được rất nhiều. Em cảm thấy nể phục những anh chị có thể code từ sáng tới đêm không ngủ để hoàn thành bài thi. Sau cuộc thi ấy, em mới thấy sự nhiệt huyết các thầy cô dành cho bọn em lớn đến nhường nào.
Trong thời gian thi, thầy cô thường xuyên ghé thăm và hỗ trợ góp ý cho các nhóm để hoàn thiện sản phẩm tốt nhất. Nhiều lúc code tới muộn, cô Vy, cô hướng dẫn của em còn đưa cả nhóm đi ăn hoặc đi cà phê để tiếp thêm động lực cho team, siêu tâm lý luôn ạ. Có đôi chút tiếc nuối khi em và các bạn trong team Young Buffalo đã vào đến vòng Viva nhưng chưa thể “show” hết trọn vẹn ý tưởng với Ban giám khảo để có cơ hội đạt giải.
PV: Theo em, các bạn nữ khi theo học Lập trình có gặp nhiều khó khăn hơn các bạn nam không?
Nhiều người vẫn quan niệm, Lập trình là ngành dành cho con trai nhưng em thì không nghĩ vậy. Các bạn nữ bây giờ có khả năng logic tốt, chăm chỉ làm bài thì học chẳng thua kém gì các bạn trai. Em nghĩ có chăng, khó khăn lớn nhất với các bạn nữ là thời gian sau khi lập gia đình và sức khỏe để có thể thức đêm nhiều chạy deadline.
PV: Mục tiêu sau khi tốt nghiệp FPT Aptech của em là gì?
Mục tiêu sau khi tốt nghiệp của em là kiếm được công việc với mức lương nghìn đô ạ. *Cười lớn*.
Cảm ơn Diệp Ly về buổi trò chuyện hết sức thú vị. Chúc em học tập tốt hơn nữa, ra trường sớm tìm được công việc như ý và thành công trong tương lai nhé!
Hà Hoàng
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |