(Post 11/04/2011) Symbian, cái tên từng làm mưa làm gió trong suốt thời kỳ đầu của ngành công nghiệp smartphone nay được ví như một vị vua đã quá già cỗi, và phải nhường lại “vương vị” của mình cho những ứng viên trẻ hơn, có triển vọng hơn. Cú ngã của Symbian khiến nhiều người bất ngờ đến mức tới tận bây giờ, không ít chuyên gia còn bàng hoàng tự hỏi, “Ai đã giết Symbian?”…, “chuyện đời” của Symbian là một câu chuyện dài và thú vị !!!

Để hiểu rõ hơn về bản chất của Symbian, hãy cùng GenK quay ngược thời gian, trở lại những năm cuối của thập kỷ 90 thế kỷ trước. Vào thời kỳ ấy, khi mà smartphone bắt đầu chập chững cất những bước đầu tiên, vấn đề bức thiết đặt ra cho các nhà sản xuất là có một hệ điều hành chuyên dùng cho các hệ thống phần cứng di động. Ai cũng hiểu rằng cái khiến cho “điện thoại thông minh” trở nên “tinh khôn” chính là hệ điều hành chứ không phải là phần cứng. Ngay lập tức, Microsoft, với vị thế là người dẫn đầu trong mọi cuộc đua công nghệ thời kỳ đó lập tức “đánh hơi” được xu hướng nhu cầu của thị trường, liền cho ra đời hệ điều hành Windows Mobile (WinMo) hướng tới smartphone.

WinMo cho smartphone các tính năng vượt trội như khả năng chạy được ứng dụng và kết nối mạnh mẽ hơn hẳn các điện thoại thông thường cùng thời, vốn chỉ có chức năng nghe-gọi. Không mất nhiều thời gian để WinMo tiến lên vị trí thống lĩnh thị trường, giống như những sản phẩm của Microsoft cùng thời. Microsoft khi đó, có cách hành xử giống hệt Apple bây giờ, cũng ham muốn kiểm soát hoàn toàn thị trường bằng luật “bàn tay sắt”. Tất nhiên các hãng sản xuất điện thoại khác cũng không thể đứng nhìn Microsoft “tự tung tự tác”.

Nỗi lo sợ về một thị trường bị quản lý bởi 1 công ty duy nhất đã đẩy Nokia, nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới cùng ngồi lại với các đối thủ ít tiếng tăm hơn như Sony, Samsung , Motorola, Docomo…. Những “ông lớn” trong ngành công nghiệp di động đã đi đến một thỏa ước rằng để ngăn chặn sự phát triển của Microsoft và WinMo, họ sẽ hỗ trợ một hệ điều hành dành cho smartphone. Hệ điều hành đó đóng vai trò chủ đạo trong sản phẩm smartphone của các hãng có tên trong thỏa ước. Và nó sẽ là đối trọng với WinMo, cũng là để mở ra một nguồn cung phần mềm cho các hãng sản xuất. Tránh tình trạng phụ thuộc vào một công ty “độc tài” như Microsoft.

Có thể bạn sẽ thấy câu chuyện này nghe quen quen. Bởi vì nó chính xác là những gì diễn ra giữa Android và iOS trong thời gian gần đây. Vẫn là kịch bản về một nền tảng “mở” đứng lên chống lại “ách đô hộ” của một hệ sinh thái “bạo chúa, độc tài”.

Và với mục đích ban đầu như thế, Symbian thành công rực rỡ. Có được sự hỗ trợ từ phía các nhà sản xuất smartphone, Symbian lớn mạnh và trở thành hệ điều hành có mặt nhiều nhất trong smartphone suốt gần 10 năm trời, cho tới tận tháng 10 năm 2010, khi nó bị Android hạ bệ. Symbian đã hoàn toàn đánh bại Windows Mobile , đúng như những gì những người sinh ra nó mong đợi.

Mười năm ở ngôi vua làng smartphone, Symbian trải qua không biết bao nhiêu sóng gió, những vẫn đứng vững và bình thản vượt qua. Ngay cả sự trỗi dậy của BlackBerry và sau đó là iPhone cũng không thực sự đe dọa tồn vong của Symbian. Vì không một hệ điều hành nào trong số những đối thủ chính của Symbian như BlackBerry OS, iOS và WinMo hội đủ những yếu tố của Symbian như: giá thành rẻ, chạy ổn định trên phần cứng không quá mạnh, trực quan và dễ sử dụng. Hơn thế nữa, Nokia đã là con tem bảo đảm cho sự thành công không thể chối cãi của Symbian. Nokia có hệ thống nguồn cung phần cứng khổng lồ, mạng lưới kinh doanh rộng lớn, và nhất là khả năng cho ra hàng trăm phiên bản của cùng một chiếc điện thoại, cho đủ các loại thị trường. Từ Âu đến Á, từ Phi đến Mỹ, không đâu không lưu dấu chân Nokia.

Thế nhưng, một sự thực cũng không thể chối bỏ, đó là Symbian đã dần trở thành một nền tảng chết. Và khi Nokia tuyên bố rằng họ sẽ hỗ trợ Windows Phone 7 trong các thế hệ smartphone mới của mình, thì ai cũng hiểu rằng đó là tờ giấy khai tử đã ký sẵn dành cho Symbian. Vì một lẽ, trong liên minh Symbian Nokia giữ đến 48% cổ phần, Nokia quay lưng với Symbian, các hãng còn lại không mặn mà. Symbian không còn con đường nào khác là đành phải ngậm ngùi nói lời chia tay.

Cái chết của Symbian có lẽ không phải là bất ngờ. Nhưng liệu “Ai là người đã giết Symbian?” Câu trả lời không nằm ngoài những nhận định sau đây.

iPhone, gã “quý tộc” vô tư

Sẽ rất dễ để người ta đưa iPhone vào đầu tiên trong “danh sách nghi phạm”. Thực sự là từ khi iPhone ra đời, nó đã “mở mắt” cho người tiêu dùng về định nghĩa thực của smartphone. Đối với Nokia, smartphone chỉ là “một chiếc điện thoại có thêm chức năng của máy tính”, điều này thể hiện qua thiết kế truyền thống của Nokia là “không bao giờ bỏ đi bàn phím số”. Nhưng iPhone ra đời, định nghĩa smartphone trở thành “một chiếc máy tính di động có chức năng thoại”. Trước khi Nokia kịp giật mình, iPhone đã kịp “xơi” của Symbian 5% thị phần.

iPhone tràn ngập khắp nơi, kéo theo cuộc chạy đua cải tiến. Câu hỏi “thay máu hay là chết” được đặt ra cho Symbian. Nokia hốt hoảng cố gắng củng cố vị thế của mình bằng một loạt smartphone màn hình cảm ứng, một động thái không mấy hiệu quả khi mà “lõi” của Symbian tỏ ra đuối sức trước iOS, một hệ điều hành trẻ có những chiêu bài cạnh tranh vô cùng “khó chịu”. Mà nói cho cùng, Symbian chưa bao giờ được xây dựng cho phương thức nhập liệu cảm ứng. Dẫn đến tất cả các smartphone chạy Symbian có màn hình cảm ứng ra mắt vào thời gian này đều là những sản phẩm khiếm khuyết, rất chậm chạp và khó sử dụng.

Nhưng rồi thất bại của Nokia nhanh chóng bị lãng quên, khi mà Apple dường như không đếm xỉa gì đến phân khúc smartphone tầm trung và thấp. Nokia vui vẻ nhường lại phân khúc smartphone hạng sang cho Apple, 2 bên “huề cả làng” . iPhone như một nhà “quý tộc” vô tư , hoàn toàn bằng lòng với thị trường cao cấp.

Thế nhưng cuộc đua mà iPhone dấy lên đã khiến thế giới smartphone không bao giờ còn trở về như cũ được nữa. Symbian già nua và chậm chạp không thể thay đổi nhiều hơn, chỉ đành nằm nhìn ngày tàn đến gần. Và kẻ mang những ngày cuối đến với Symbian, không ai khác, chính là Android.

Android, Robin Hood của thời hiện đại

Vào năm 2009, smartphone chạy Android đầu tiên ra mắt. Ban đầu mục đích chính của Android là một nỗ lực của Google nhằm ngăn cản bước tiến như vũ bão của Apple. Và với mục đích ban đầu như thế, Android phần nào thành công. Tuy không đủ sức “lật đổ” iOS, nhưng Android đã ngăn chặn sự phát triển của iOS trên đất Mỹ cũng như trên toàn cầu, trở thành một đối thủ quan trọng của iOS. Không lật đổ iOS, nhưng trong bước đường mở rộng của mình Android đã “vô tình” dẫm vào chân của Symbian. Từng bước, với những ưu điểm vượt trội như giao diện thân thiện, hỗ trợ cảm ứng toàn diện, tốc độ và giá cả. Android đã hoàn toàn đánh bật Symbian khỏi “thành trì” cuối cùng của mình là smartphone phân khúc trung cấp và “bình dân”.

Không giống như iOS, Android tỏ ra khá “dễ dãi” và sẵn sàng “tung hoành” khắp hang cùng ngõ hẻm, từ những smartphone chỉ có giá 2 triệu, đến cả những smartphone đắt hơn 10 triệu đều có bóng Android. Và đó chính là lý do lớn nhất, đẩy Symbian xuống khỏi ngai vàng. Đọc đến đây, có thể bạn sẽ kết luận “hung thủ” chính là Android, đồng phạm là iPhone.

Kết luận đó có thể đúng phần nào, nhưng câu trả lời của GenK lại là…

Nokia, và những công ty khác trong liên minh Symbian mới là kẻ thủ ác

Có thể nói, cái chết của Symbian chủ yếu là do sự “trì trệ” của nó. Trong khi cả thế giới đang sôi sùng sục vì màn hình cảm ứng đa điểm như của iPhone, vì chợ ứng dụng tuyệt vời như AppStore, khả năng chạy ứng dụng mượt mà, đa nhiệm mạnh mẽ như Android, trải nghiệm duyệt web tuyệt vời mà cả Android và iOS cung cấp. Thì Symbian vẫn “ì ạch” tít tận phía sau với những engine cũ kỹ. Nhiều người cảm thấy không thể hiểu được sự chậm chạp của Symbian khi phải thích ứng với hoàn cảnh mới. Khi đối mặt với những sức ép từ các hệ điều hành đầy tính cách mạng như iOS và Android. Người đổ lỗi cho các kỹ sư phát triển Symbian, người thì qui tội cho Nokia. Nhưng câu trả lời lại có nguyên do sâu xa hơn thế.

Trở lại câu chuyện về sự liên minh Symbian do Nokia đứng đầu và cuộc thánh chiến chống lại WinMo. Khi WinMo đại bại, phải rút về thánh địa smartphone màn hình cảm ứng với vỏn vẹn 12% thị phần, thì Symbian, lên ngôi trong chiến thắng huy hoàng. Sau những giây phút vui mừng vì chiến thắng mới đạt được, các hãng sử dụng Symbian bắt đầu quay lại phân chia “chiến lợi phẩm”. Nhưng họ lập tức cảm thấy thất vọng vì dường như niềm vui chiến thắng không san sẻ đều cho tất cả mọi người.

Nokia gần như thống trị Symbian, nói đến Symbian là nói đến Nokia. Tất cả những smartphone của các hãng khác chạy Symbian đều có doanh số thảm hại, nếu đem so sánh với Nokia. Và cứ như thế, tiền bạc và nỗ lực của tất cả các bên hầu như chỉ để biến Symbian thành nguồn cung phần mềm cho 1 hãng duy nhất: Nokia. Không cần nói chắc ai cũng đoán được, phần đông của liên minh Symbian đều “bằng mặt mà không bằng lòng” với Nokia. Không ai bảo ai, tất cả đều nhất trí rằng từ nay sẽ phải để mắt coi chừng, không thể để Symbian phát triển quá mạnh mẽ, vì Symbian thống trị tức là Nokia thống trị. Và nếu Nokia thống trị cả thị trường, thì ngay từ đầu thà để Microsoft ngồi vào cái ghế đó còn hơn. Ít ra, Microsoft cũng không hào hứng mấy với việc sản xuất phần cứng, vẫn để cho các nhà sản xuất một “cửa” để sống, dù hẹp.

Và như thế, số phận của Symbian không khác gì một tấn kịch bi tráng: Được tạo ra để chống lại việc một công ty kiểm soát hoàn toàn thị trường , nhưng sau khi thắng lợi, thì lại bị chính những người sinh ra mình tìm cách “vùi dập” vì sợ chính nó sẽ… thống trị.

Nokia, Sony Ericsson , Samsung , Docomo, Motorola, Vodaphone, AT&T… là vài cái tên trong số những công ty tham gia vào liên minh Symbian. Tất cả các công ty trên đều sản xuất các sản phẩm chạy Symbian OS. Nhưng Nokia, chiếm đến 48% cổ phần của Symbian, đã trở thành cổ đông chính. Và dựa vào quyền lực của mình, thay vì để cho các thành tựu của sự phát triển Symbian chia đều cho tất cả các thành viên trong liên minh, Nokia lại hướng Symbian phát triển theo hướng tương thích với phần cứng của mình. Hãy thử nhìn cái cách Nokia “độc chiếm” giao diện S40, S60 cho riêng mình, thì bạn sẽ hiểu vì sao điện thoại smartphone chạy Symbian của Nokia lại thành công vượt trội so với sản phẩm của các hãng khác.

Các hãng khác trong liên minh rất vất vả khi phải chỉnh sửa Symbian để chạy được trên thiết bị của mình. Vì thế, chi phí phát triển của các nhà sản xuất này thay vì tập trung vào việc “phát triển và nghiên cứu” những tính năng mới, cải tiến Symbian thì lại quay về tập trung vào việc “làm cho Symbian chạy được trên phần cứng của mình”. Nhưng dù Nokia có nắm đến 48% cổ phần, thì các quyết sách của liên minh vẫn phải thông qua đa số các hãng khác.

Và bản thân các hãng đó cũng cố làm hết sức để kìm hãm sự phát triển của Nokia, không cho Nokia và Symbian quá lớn mạnh, quay lại cạnh tranh với họ. Tất cả những dự án nghiên cứu mang tính cách mạng, mà nếu có thể thực thi sẽ thực sự “thay máu” cho Symbian, khi đem ra trình bày trước hội đồng, đều dễ dàng bị các bên gạt đi. Không một ai muốn Nokia sở hữu một hệ điều hành mạnh hơn, tối tân hơn. Mối quan hệ kiềm chế lẫn nhau này vô hình chung đã khiến cho Symbian trở nên chậm tiến và chậm đổi mới, dẫn tới kết cục đổ vỡ tất yếu.

FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO9001.

Học CNTT – Học Aptech – Học tại FPT

Vài lời nói cuối

Tôi không phải là một người thích hoài niệm, và thực ra là tôi cũng không hoài niệm Symbian. Tôi hoàn toàn cảm thấy thỏa mãn và vui mừng vì iOS, Android ra đời, thay thế một hệ điều hành bảo thủ và già nua. Đem đến cho người dùng những tiện ích và trải nghiệm hoàn toàn mới mà chúng ta đáng được hưởng. Tôi chỉ thấy tiếc cho một hệ điều hành có quá nhiều triển vọng lại chịu một số phận “hẩm hiu” như thế.

Tất cả có lẽ đã quá muộn với Symbian, thời cơ để Symbian có thể thay đổi đã ra đi đâu đó trong quá khứ. Với việc Nokia tuyên bố hỗ trợ Windows Phone 7, Symbian coi như chỉ còn chờ chết. Một số sản phẩm chạy Symbian vẫn tiếp tục ra lò, dù với tốc độ nhỏ giọt, tuy nhiên mọi chuyện sẽ sớm kết thúc, vì cái tên Symbian trong lòng người sử dụng, không biết từ bao giờ đã trở thành đại diện cho “chậm chạp, ít tính năng, khó sử dụng”.

Nói cho cùng, chúng ta không thể trách những kỹ sư phụ trách việc phát triển Symbian, mục tiêu của họ là xây dựng một hệ điều hành để đối đầu với WinMo, không phải là iOS hay Android.Và với mục tiêu ban đầu như thế, nó đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Đến khi cần đổi mới, Symbian đã không kịp chuyển mình vì cách quản lý, tổ chức của ban lãnh đạo theo kiểu “mua dây buộc mình” đã tự hạn chế sức sáng tạo và cách mạng.

Symbian, WinMo, PalmOS, đều đã là những cái tên của ngày hôm qua, và chúng đều là “tế vật” cho sự chuyển mình của smartphone sang một thời kỳ mới. Chúng ta cám ơn Symbian vì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Còn cá nhân tôi, chắc chắn sẽ giữ những ký ức đẹp về một hệ điều hành dũng cảm, dám đứng lên chống lại những thế lực “hắc ám”.

Bài học về Symbian vẫn còn đó, làm tấm gương sáng cho các hệ điều hành “đàn em” soi chung. Symbian đã chứng tỏ sự khắc nghiệt của thị trường, rằng dù có là “người khổng lồ”, nếu bước nhầm thời, sai chỗ, lạc điệu, thì vẫn có thể ngã như thường. Và còn ngã đau là đằng khác. Biết đâu 5, 10 năm nữa chúng ta lại được chứng kiến một hệ điều hành khác hạ bệ Android hay iOS cũng bởi những sai lầm tương tự. Cách đây 10 năm, ai nghĩ là Symbian sẽ có ngày hôm nay?

Như một danh nhân nào đó từng nói: “Người thông minh thì học được nhiều điều từ sai lầm của mình, nhưng những kẻ thực sự sắc sảo thì lại biết cách học từ sai lầm của người khác.”

Minh Lết
(theo MaskOnline)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96