Không chỉ thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, hệ thống Aptech Việt Nam còn đặt tham vọng phát triển và mở rộng ra toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 19/2, trong khuôn khổ Hội nghị Aptech Việt Nam 2012, Tập đoàn Aptech toàn cầu đã chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu mới tại thị trường Việt Nam. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược định vị của Aptech toàn cầu nhằm duy trì và đẩy mạnh vị trí của mình trên thị trường đào tạo CNTT Việt Nam.

Hình ảnh mới của Aptech Việt Nam. Ảnh: C.T.

Hình ảnh mới của Aptech Việt Nam. Ảnh: C.T.

Trái với hình ảnh đơn điệu, tẻ nhạt và ngày một “già hóa” từ những ngày đầu thành lập, logo mới của Aptech hiện đại, trẻ trung và nhất quán với hình ảnh cách điệu móng vuốt của loài hổ, kết hợp với câu slogan “Unleash your potential” (Giải phóng tiềm năng của bạn). Hình ảnh mới thể hiện sự kết nối giữa các bên liên quan với Tập đoàn Aptech toàn cầu cũng như thể hiện tầm quan trọng ngày càng lớn của giáo dục nghề nghiệp trong môi trường kinh tế – xã hội hiện nay.

“Có một con hổ trong mỗi một người chúng ta. Trách nhiệm của chúng tôi là giúp các bạn khám phá và dỡ bỏ rào cản, mở ra thế mạnh tiềm tàng của mình. Tập đoàn Aptech đã thực hiện bước đầu tiên bằng việc thay đổi cách nhìn và suy nghĩ. Và chúng tôi mong chờ sự thay đổi trong các bạn”, ông G. Ramesh, Giám đốc Aptech khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện cho Tập đoàn Aptech Ấn Độ lý giải ý nghĩa của bộ nhận diện thương hiệu mới.

Sự thay đổi hình ảnh thương hiệu là một quy luật tất yếu để mang đến những giá trị và hình ảnh mới cho thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông G.Ramesh -

Ông G.Ramesh – Giám đốc Aptech khu vực châu Á – Thái Bình Dương giải thích ý nghĩa của bộ nhận diện thương hiệu mới. Ảnh: Thu Thủy.

Ông Ramesh cho biết: “Sau 26 năm phát triển, đây là thời điểm thích hợp để đưa ra chiến lược tái xây dựng thương hiệu nhằm tiếp tục giữ vững và phát huy vị thế dẫn đầu của Aptech trong lĩnh vực đào tạo CNTT. Đến nay, tập đoàn Aptech toàn cầu đã mặt tại hơn 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục và đào tạo được hơn 6,4 triệu học viên”.

Không chỉ thay đổi bề nổi, tham vọng sâu xa của Aptech là phát triển và mở rộng hơn nữa quy mô của hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech Việt Nam.

Với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng hơn 40% mỗi năm, Aptech Việt Nam đặt tham vọng sẽ cung ứng 50% nguồn nhân lực trong mục tiêu “1 triệu nhân lực CNTT” vào năm 2020 mà Chính phủ Việt Nam đề ra trong đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông”.

Theo anh Trần Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT kiêm Phó Chủ tịch Hệ thống Aptech Việt Nam, từ hội nghị năm nay, Hệ thống Aptech Việt Nam cùng với Tập đoàn Aptech toàn cầu đã đề ra những chiến lược để đạt được mục tiêu này. Cụ thể, từ năm 2012, Hệ thống Aptech Việt Nam quyết tâm mỗi năm phát triển gấp đôi số lượng song song với việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Từ đó, bên cạnh chương trình đào tạo chính quy, bài bản trong vòng 2 năm với bằng tốt nghiệp là Higher Diploma (Cao đẳng thực hành), Aptech dự kiến mở thêm nhiều khóa học ngắn hạn chuyên sâu về các công nghệ lập trình hiện đại dành cho sinh viên đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Những khóa học chuyên ngành CNTT ngắn hạn này nhằm giúp sinh viên Việt Nam có dịp tiếp cận các công nghệ lập trình mới nhất và theo tiêu chuẩn quốc tế.

Song song việc mở rộng đối tượng tuyển sinh và xây dựng nhiều khóa học mới, Aptech sẽ xây dựng mô hình “feeder center” (trung tâm vệ tinh) đặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Qua đó, sẽ đưa các chương trình học đến gần với giới trẻ, thanh niên địa phương hơn.

Đặc biệt, bắt đầu từ quý I năm nay, Hệ thống Aptech Việt Nam sẽ đưa một vài giáo trình công nghệ của Microsoft vào giảng dạy tại tất cả các trung tâm.

“Việc kết hợp giữa Microsoft và Hệ thống Aptech Việt Nam sẽ giúp sinh viên tiếp cận những kho tài nguyên, công nghệ mới, thậm chí là cả cơ sở học liệu vô cùng lớn của người khổng lồ phần mềm này. Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên sẽ được Microsoft cấp chứng chỉ và có điều kiện tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ khác của hãng với mức ưu đãi cao. Bên cạnh đó, mỗi trung tâm của Aptech cũng đồng thời trở thành một trung tâm đào tạo của Microsoft”, anh Vũ Hải Long, Giám đốc FPT Aptech, chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, đồng nghĩa với mở rộng, Aptech Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn.

Thành lập từ năm 1999, thời điểm mạng Internet bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, Aptech đã triển khai chương trình đào tạo Lập trình viên quốc tế cùng mô hình giáo dục đào tạo CNTT mới, hiện đại lần đầu tiên có tại Việt Nam. Với quan điểm “đào tạo theo nhu cầu của nhà tuyển dụng”, các môn học đều được xây dựng theo yêu cầu chuyên môn chuẩn của các tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM, Sun, Oracle…

Với hơn 70.000 lập trình viên đã đào tạo cho thị trường nhân lực CNTT, Aptech đóng góp cho việc định hình lập trình là một nghề chuyên nghiệp và định hình khái niệm Lập trình viên quốc tế tại Việt Nam.

Cùng với vị thế của “người dẫn đầu”, Aptech Việt Nam đã góp phần tạo ra trào lưu “săn các chứng chỉ quốc tế” trong giới sinh viên và nhà tuyển dụng Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp ICT đều rất chú trọng tới các chứng chỉ này, thậm chí còn đưa vào một trong những yêu cầu chính để tuyển dụng.

Đến nay đã phát triển được 13 năm, Hệ thống đào tạo Lập trình viên quốc tế Aptech đang dần “bình dân hóa”, đến gần với mọi đối tượng thanh niên đam mê CNTT tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, trên thị trường có sự xuất hiện nhiều trung tâm đào tạo “nhái”, không có chứng nhận ủy quyền của các hãng công nghệ nhưng vẫn tổ chức giới thiệu, quảng cáo, tuyển sinh. “Ưu điểm” của những trung tâm đào tạo kiểu này là rút ngắn thời gian học, tự chế giáo trình, không có hệ thống máy móc thực hành, phòng lab đạt chuẩn quốc tế (chỉ được xem demo), chú trọng vào thủ thuật, mẹo thi và học phí thì “siêu rẻ”.

Điều đó vô hình trung làm giảm giá trị của hầu hết các chứng chỉ quốc tế về CNTT tại Việt Nam. Aptech cũng không nằm ngoài số đó.

Anh Vũ Hải Long phân tích: “Việc các sản phẩm đào tạo của Aptech Việt Nam ngày càng đến gần hơn với người sử dụng mọi lứa tuổi là một tín hiệu mừng. Aptech Việt Nam nói chung và FPT Aptech nói riêng không phải là kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng cao cấp mà là các sản phẩm đào tạo chất lượng cao. Cái gốc cuối cùng của đào tạo là làm thế nào để đến được với tất cả mọi người”.

Trước một số ý kiến cho rằng sản phẩm đào tạo của Hệ thống Aptech không còn sức hút với giới sinh viên sắp tốt nghiệp, anh Long cho rằng “đó là những nhận định chủ quan”. Đối với FPT Aptech, vào cuối năm 2011, số lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng theo học tại FPT Aptech chỉ chiếm 33%, so với 40% ở thời điểm năm 2006-2007. Tuy vậy, số lượng học sinh PTTH lại tăng lên 50%, có nghĩa là sản phẩm đang tiệm cận gần hơn với đối tượng thực sự có nhu cầu.

Việt Nam hiện nay phải đối mặt với thực trạng khủng hoảng về nguồn nhân lực CNTT, “cung không đủ cầu”, “đốt đuốc đi tìm kỹ sư CNTT giỏi”. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là nhiều sinh viên công nghệ ra trường vẫn không tìm được việc làm, hay sức hút của khối ngành CNTT giảm dần.

“Nhu cầu nhân lực CNTT là vô cùng. Thời điểm năm 2010, một số ngành kinh tế thu hút nhiều sinh viên, tuy nhiên, sau khoảng vài năm nữa sẽ lại gây ra hiện tượng khủng hoảng thừa các vị trí công việc ở ngành tài chính – ngân hàng. Có thể nhìn thấy ngay là năm 2011, các ngành liên quan đến kinh tế có sự sụt giảm về số lượng tuyển sinh đầu vào một cách rõ rệt”, anh Long nhìn nhận.

Việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội là đòi hỏi bức thiết. Chính vì thế, quá trình đào tạo phải gắn liền với nhu cầu xã hội, theo “đơn đặt hàng” và đảm bảo được một quy chuẩn chung dựa trên quan điểm tương đương về bằng cấp, trình độ so với thế giới là quan trọng nhất. Chỉ có đơn vị sản xuất kinh doanh mới biết mình cần gì nên khi đặt hàng, nhà trường sẽ nỗ lực đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo khảo sát của ĐH FPT, năm 2012, tỷ lệ lựa chọn ngành CNTT có tăng nhẹ so với năm trước. Cũng theo đó, trong năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của FPT Aptech là 2.500 sinh viên cho chương trình đào tạo lập trình viên quốc tế.

“Con số 500.000 nhân lực cho ngành CNTT thực sự là một tham vọng rất lớn của Aptech nói chung và của Tập đoàn FPT nói riêng. Mỗi một trung tâm sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong đào tạo, đưa sản phẩm của mình gần với mọi đối tượng học sinh sinh viên càng tốt. Chúng tôi khá lạc quan với con số mục tiêu do Aptech đề ra”, anh Vũ Hải Long khẳng định.

Thu Thủy

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96