Trong thời đại 4.0, chuyển đổi số chính là động lực để thế hệ trẻ Việt tiếp tục tiếp bước chặng đường chinh phục một trong những ngành có thu nhập “khủng nhất hành tinh” – Lập trình viên. Tuy nhiên nhóm ngành này được ví “rộng tựa biển Nam Hải”, vậy đâu là “con đường cách mạng” dành cho bạn? Câu trả lời đã được làm sáng tỏ tại Zoom Talk: Full Stack Developer 4.0: Hiện đại có “hại điện”? với sự tham gia của rất nhiều người tham gia có cùng đam mê với những dòng code.

Một Full Stack Developer chuyên nghiệp yêu cầu những kỹ năng gì? Cơ hội việc làm và mức lương cụ thể như thế nào? Chắc hẳn nhiều bạn dù đang học hay mới chỉ tìm hiểu về ngành Lập trình cũng sẽ có thắc mắc như thế.

Vậy hãy cùng lên “Chuyến xe luồng xanh” đặc biệt do “chủ xe” là anh Dương Văn Thanh – Senior Engineering Manager tại NashTech cũng là cựu sinh viên FPT Aptech “điều hành” sẽ đem tới khái niệm cụ thể nhất về một Lập trình viên thời đại số tới các “hành khách”.

Được biết anh Thanh còn là cựu sinh viên FPT Aptech, lần trở về “nhà” này với anh giống như sống lại thời sinh viên, tận tình chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đã trải qua và tích lũy được tới các “hậu bối”.

Con đường từ Developer thành Full Stack Developer

Để các bạn dễ hiểu nhất về chân dung một Full Stack Developer hoặc Software Engineer, anh Thanh mở đầu câu chuyện bằng định nghĩa về Full Stack – nhóm công việc rộng bao gồm cả Frontend, Backend, Server, Data,… Như vậy, Full Stack Developer là người biết hết từ Server, Data đến UI, UX,..

Để trở thành Full Stack Developer, các bạn trẻ còn phải không ngừng học hỏi tôi luyện các kỹ năng mềm, kiến thức chuyên môn cũng như khả năng sử dụng Tiếng Anh chuyên nghiệp.

 Đây là quá trình tổng hợp những nhiều bước khác nhau từ Front end, Back end đến sự vận dụng server để tạo ra những miền dữ liệu mới. Nếu như chúng ta hiểu Front end là quá trình thiết kế phong thủy cho ngôi nhà mang tên Website được viết bởi quá trình Back end, thì Full stack chính là chủ của ngôi nhà đó – người có quyền kiểm soát, điều chỉnh, thay đổi mọi thông số của ngôi nhà sao cho trở nên thoải mái với người dùng nhất .

Nếu như Front end và Back end từng được dân IT ví như cứu cánh của dân ngành khi phải đối diện với những khủng hoảng về khối lượng công việc về mặt thẩm mỹ và chất lượng của web thì Full stack chính là “vị khổng lồ” có thể giải quyết cả quá trình đó chỉ trong một nốt nhạc.

Không ngừng trau dồi và học hỏi mỗi ngày, cho dù bản thân đã biết hoặc đã hiểu một phần kiến thức nào đó.

Không sợ sai, không ngại mắc lỗi để biết cách sửa, biết cách làm đúng để code chạy.

Hãy luôn có người hướng dẫn (Mentor) để chúng ta có thể học hỏi hoặc cần trợ giúp trong quá trình học tập. Ví dụ như ở trường là thầy cô, bạn bè còn tại công ty sẽ là đồng nghiệp.

Hãy luôn đặt câu hỏi khi gặp bất kỳ vấn đề nào, khi cần lời khuyên.

Phải biết cân bằng mọi thứ trong công việc hay các mối quan hệ, điều đó sẽ giúp chúng ta thuận lợi trong mọi việc để đạt hiệu quả tốt nhất.

Anh Dương Văn Thanh đã dùng chính kinh nghiệm cá nhân tích quỹ nhiều năm qua để có góc nhìn chân thực nhất, định hướng tới các bạn mong muốn trở thành Full Stack Developer trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

Định hướng phát triển rõ ràng

Chuyển đổi số cũng là cơ hội lớn đối với các Full Stack Developer hay Software Engineer, Fresher/Junior Developer. Không cần phải kể nhiều, tiềm năng trong ngành nói chung luôn là thị trường mở và liên tục “khát nhân lực”. Để giúp các bạn có cái nhìn tổng quan nhất về lộ trình phát triển của bản thân, anh Thanh đã chỉ ra “bức tranh thăng tiến” qua các quá trình cùng yêu cầu công việc cụ thể.

--> Software Engineer

Khi bạn đi thực tập hoặc mới ra trường thường được khởi điểm với chức danh Fresher/Junior. Số năm kinh nghiệm của Junior Developer thường vào khoảng 6 tháng. Ở giai đoạn này, bạn đã làm qua một số dự án thực thế, khá rành về công nghệ.

--> Senior Software Engineer

Sau một thời gian làm việc, bạn nắm vững, hiểu sâu và rộng nhiều công nghệ cũng như quy trình. Ở vị trí này, ngoại trừ khả năng code “thần thánh”, bạn còn phải biết đưa ra phần thiết kế và các giải pháp. Ngoài ra, bạn còn phải hướng dẫn chỉ bảo các em Junior mới vào, cũng như tham gia Code Review v…v. Đôi khi Senior Developer cũng kiêm luôn vị trí Team Leader, do đó bạn cũng cần một chút kỹ năng diễn đạt và lãnh đạo.

--> Team Leader/Technical Leader

Bạn trở thành Leader của 1 team nho nhỏ, khoảng 3-6 thành viên. Ngoại trừ code ra, bạn còn phải họp hành với cấp trên, báo cáo với khách hàng, quản lý cấp dưới. Ở giai đoạn này, bạn sẽ dần học thêm một số kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý… Ở một số công ty nhỏ, Lập trình viên lâu năm, có kinh nghiệm sẽ lên Team Leader. Bạn vẫn còn khá nhiều thời gian code, code giỏi có thể sẽ làm thành viên trong team tôn trọng và nể phục hơn.

Xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay tạo ra những cơ hội vàng cho các Lập trình viên phát triển.

--> Technical Architect

Technical Architect là người chịu trách nhiệm tổng thể toàn bộ các hoạt động kỹ thuật liên quan đến dự án.Ví dụ như: Chọn lựa công cụ, tìm giải pháp trước và trong quá trình phát triển phần mềm. Xác định mối quan hệ giữa Component trong hệ thống và trách nhiệm của từng component để thiết kế hệ thống tối ưu cho việc vận hành, bảo trì và chuyển giao cho khách hàng theo đúng yêu cầu về tính năng, tốc độ và bảo mật. Quản lý các hoạt động liên quan đến kĩ thuật như Training, Review, Monitoring… để đảm bảo Development Team viết code, Document theo đúng yêu cầu hệ thống xác định.

Lưu ý làm việc với khách hàng định kì để đảm bảo Architect đáp ứng đủ yêu cầu của hệ thống, cập nhật thiết kế cho các yêu cầu mới. Áp dụng những phương pháp tốt nhất để cải tiến quy trình, chất lượng của phần mềm ở tất cả các khâu như Development, Testing, Deployment, Transition,…

--> Solution Architect

Lên đến vị trí này, bạn sẽ có rất ít hoặc hầu như không có thời gian code. Đa phần công việc chính của bạn bây giờ là báo cáo, quản lý, lãnh đạo, lâu lâu bạn còn bị bắt đi phỏng vấn ứng viên để tuyển thành viên cho dự án nữa. Bạn là người quyết định sự thành bại của dự án.

Bạn cần hiểu biết về công nghệ sâu và rộng, vì chính bạn là người lựa chọn công nghệ, quy trình,… cho dự án. Những quyết định lớn về thiết kế, cấu trúc code,… sẽ do bạn chịu trách nhiệm. Ở giai đoạn này, ngoài chuyên môn “cứng”, bạn còn phải giỏi thuyết trình, hướng dẫn, giải thích.

Như vậy có thể thấy các bạn lựa chọn trở thành một Full Stack Developer đồng nghĩa với việc đang bước đi trên con đường gian nan, đẩy thử thách, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian cũng như không ngừng học hỏi nhưng kết quả thì vô cùng khả quan nếu như chúng ta chú tâm.

Thiết lập một hệ thống kế hoạch dài hạn

Ngoài ra, để trở thành Full Stack Developer, các bạn cần một hệ thống (system) cho những kế hoạch dài hạn. System của anh Thanh là “liên tục tích lũy thêm kỹ năng”.

Khi làm bất cứ điều gì, anh luôn xem xét xem nó có phù hợp với “system” của mình hiện tại. Tức là nó có giúp anh tích lũy được thêm kỹ năng mình đang cần hoặc sẽ cần trong tương lai hay không.

Việc hiểu bản thân cần gì luôn là vấn đề hết sức quan trọng bởi kim chỉ nam không vững thì rất dễ rơi vào cảm giác mông lung dẫn đến nản chí bỏ cuộc.

Nói ngắn gọn, quan niệm của anh là mình cần sự thoải mái để làm tốt công việc hàng ngày. Nhưng về dài hạn, mình sẽ cần một hệ thống khác để giúp bản thân luôn đi đúng hướng.

Anh chia sẻ rằng, mỗi khi gặp khó khăn hay thất bại, anh lại hiểu thêm từng chút về bản thân. Có thể các bạn không giỏi nghĩ ra ý tưởng mới, cũng không giỏi nói trước đám đông. Nhưng lại có thể phát triển một ý tưởng và giải quyết vấn đề rất nhanh. Ai cũng vậy, sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu, quan trọng họ có nhận ra và chấp nhận nó không.

Nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gì ở một Full Stack Developer?

Với tư cách là Senior Engineering Manager tại NashTech, nhiều lần tham gia đội ngũ cố vấn tuyển dụng, cũng như trực tiếp làm việc với các ứng viên anh Thanh chia sẻ rằng nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm những Full Stack Developer có thái độ làm việc tốt.

Người giỏi không thiếu, chỉ có người với thái độ tốt là khó tìm. Thái độ tốt ở đây là thái độ nghiêm túc với công việc của mình, cởi mở với những cái mới và sẵn sàng hỗ trợ mọi người. Cũng như ngay tại NashTech, anh Thanh luôn mong muốn tuyển những người có thái độ tốt vào làm việc với mình. Anh muốn mọi người hiểu và yêu thích công ty trước khi quyết định ứng tuyển vào đây.

Văn hóa của NashTech luôn được thể hiện chân thật nhất trong mọi thứ. Từ văn phòng, website, văn hóa đến những việc mọi người làm hằng ngày.

Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau bởi vậy anh Thanh luôn nhấn mạnh “thái độ” làm việc là vô cùng quan trọng bởi môi trường này yêu cầu tính tập thể và khả năng teamwork vô cùng cao.

Ở phần tương tác trực tiếp đã có nhiều bạn đã đặt ra những câu hỏi rất sát với thực tế công việc, dù thời gian không còn nhiều nhưng anh Thanh vẫn nán lại giải đáp phần lớn các câu hỏi để các bạn không chỉ vững lý thuyết mà còn nắm bắt được thị trường công việc hiện hành nổi bật là một số vấn đề như:

Bạn Hứa Minh Bảo sinh viên năm nhất FPT Aptech đã đặt câu hỏi cho anh Thanh về việc tốt nghiệp Aptech có điểm trừ nào so với bằng đại học chính quy hay không?. Bảo nhận thấy “bản thân em đã cởi mở và tự tin hơn sau khi nghe câu trả lời từ anh Thanh. Một phần nào đó sự lo ngại về bằng cấp trong em đã được gạt bỏ và hiểu rằng mình cần nỗ lực học tập để phát huy năng lực bản thân mới là điều quan trọng”.

Anh Thanh chia sẻ về việc phỏng vấn sinh viên FPT Aptech nói riêng hay các trường Đại học nói chung đều không có điểm trừ hay điểm cộng nào cho bằng cấp cả. Hơn thế nữa khi học  đại học thì mỗi sinh viên đều phải học rất nhiều môn phụ do đó lượng kiến thức chuyên môn của các bạn không hề chênh nhau.Vấn đề lớn nhất luôn nằm ở bản thân các bạn, ý thức tự học và luyện tập mỗi ngày mới là chìa khoá quyết định năng lực chứ không phải câu chuyện bằng cấp.

Bạn Tiến ở đầu cầu phía Nam lại thắc mắc về việc trong giới lập trình hiện nay có ngôn ngữ nào là “hot nhất” mà mỗi lập trình viên đều nên theo đuổi nó hay không? Trên quan điểm của anh Thanh mỗi người có một điểm mạnh khác nhau và họ sẽ chọn ngôn ngữ phù hợp nhất với bản thân cũng như năng lực của mình. Tuy nhiên vẫn có một vài ngôn ngữ trending top đầu như: Java, JavaScript, Python, C# mà các bạn có thể trọng tâm theo đuổi. Từ đó Tiến nhận thấy rằng “thì ra em nên học tập và khám phá về nhiều ngôn ngữ lập trình hơn để làm đa dạng khả năng của bản thân”.

Bạn Thành Sang lại có định hướng trở thành một kỹ sư cầu nối (Bridge System Engineer – BrSE). Theo anh Thanh đúng như tên gọi, BrSE là người làm việc trực tiếp với khách hàng, là “cầu nối” kết nối khách hàng (tại Nhật) với Team Offshore (tại Việt Nam).

Một người ngoài nhìn vào sẽ thấy BrSe là người: nói tiếng Nhật như gió, làm việc trực tiếp với khách hàng, lương cao ngất ngưởng và đi Nhật như đi chợ. Tuy nhiên bởi vì đặc thù của công việc nên khi có định hướng này bạn còn cần nỗ lực nhiều hơn, để trở thành một BrSe chính hiệu cần chuẩn bị cho mình 3 kỹ năng: cứng, mềm và ngoại ngữ. Sau đó, các bạn phải truyền tải được nội dung mà khách hàng yêu cầu một cách cụ thể và dễ hiểu nhất để giúp Team Offshore nắm được và làm ra sản phẩm đúng – đủ theo tài liệu thiết kế.

Dành lời khen cho Sang đã dũng cảm lựa chọn con đường có vẻ “khó nhằn”, anh Thanh đã chắc chắn rằng khi bạn chinh phục được nó ắt hẳn sẽ là những trái ngọt xứng đáng. Còn đối với Sang, “em đã càng tin tưởng hơn vào ý định phát triển của mình và sẽ tự tin theo đuổi mục tiêu này”.

Vậy bạn đã tìm ra câu trả lời và phác họa chân dung Full Stack Developer hay Software Engineer thời hiện đại cho riêng mình rồi chứ?

Gần 2 giờ đồng hành trên “chuyến xe luồng xanh” cùng anh Dương Văn Thanh các bạn học viên đã nhận về vô vàn kiến thức bổ ích đúc kết qua nhiều năm thực chiến từ bậc tiền bối đi trước. Không chỉ trên cương vị một người anh lớn, qua lần trở về “nhà” này anh Thanh đã dành rất nhiều tâm huyết hi vọng mỗi học viên đều thu về những hành trang trân quý cho chặng đường sắp tới.

Ngoài việc chia sẻ các kiến thức chuyên môn gắn giữa lý thuyết và thực hành thực tế, Zoom Talk cũng là một sự kiện kết nối những bạn có cùng một niềm đam mê hay yêu thích đối với ngành Lập trình. Không phân biệt bạn là ai, bạn đang làm gì, quan trọng là trái tim chúng ta cùng nhìn về một hướng.

Mặc dù kéo dài hơn thời gian dự định gần 30 phút tuy nhiên nhiều bạn vẫn còn khá tiếc nuối vì chưa thể trao đổi nhiều hơn với diễn giả. Ngay sau khi các phần chính của buổi talk diễn ra, 17 bạn đã tiếp tục tham gia vào vòng “Test thử – Tuyển thật” chương trình The Rookies với 4 vị trí: Java – .NET – Automation Test – Manual Test.

Đây là “cơ hội vàng” chỉ dành cho các bạn tham gia trong Zoom Talk để trở thành nhân viên chính thức, được trải qua đào tạo miễn phí, đồng hành trong các dự án thực tế cùng rất nhiều chuyên gia tại NashTech

Sau khi vượt qua bài test, bên cạnh việc đào tạo, nâng cao kỹ năng kỹ thuật, các bạn còn được song song đào tạo kỹ năng mềm (15 giờ học) và thực hành giao tiếp tiếng Anh (36 giờ học). Lộ trình đào tạo của Nash Rookies sẽ giúp các sinh viên trang bị đầy đủ kiến thức và thực hành để sẵn sàng trở thành Kỹ sư Công nghệ thực thụ.

Thành công không phải tự nhiên mà có, nó phải có sự phấn đấu, kiên trì và nỗ lực trong suốt thời gian dài. Giữ vững niềm tin và không ngừng tiến về phía trước, thành công sẽ mỉm cười với bạn và hẹn gặp lại chúng ta tại những Zoom Talk kế tiếp nhé!.

Linh Đan/Trà My

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96