11 Google - câu chuyện thần kỳ - Kỳ cuối: Định hướng tương lai

Trong phòng giải lao ở cầu thang trung tâm dưới chân tòa nhà Google có một bảng trắng rất lớn, trên đó có các nét vẽ nhiều màu sắc thể hiện các dự án và công nghệ của công ty. Tấm bảng có nhan đề “Kế hoạch vĩ đại của Google”.

>> Kỳ 1: Quan tâm tới điều không thể
>> Kỳ 2: Công ty Google
>> Kỳ 3: Chinh phục thị trường
>> Kỳ 4: Bắt tay “ông lớn”
>> Kỳ 5: Nền kinh tế Google
>> Kỳ 6: Cổ phần hóa
>> Kỳ 7: Cổ máy kiếm tiền
>> Kỳ 8: Đấu với Microsoft

Cuộc chạy đua không gian

Với các tính năng và sản phẩm mới mà Google không ngừng cung cấp cho người sử dụng trên khắp thế giới, dường như Google đã đẩy các đối thủ cạnh tranh vào một cuộc chạy đua không gian để xem ai có thể tích trữ được nhiều sản phẩm gây được sự chú ý nhất. Google không chỉ dẫn đầu trong cuộc chạy đua không gian khiến Microsoft và một số công ty phải chạy theo trong một số lĩnh vực, mà còn mở rộng vai trò tiên phong của mình trong lĩnh vực tìm kiếm chính và quảng cáo ở Mỹ, châu Âu và châu Á.

Google nỗ lực tiến lên vị trí số một khi đưa ra dịch vụ bản đồ vệ tinh và các công cụ định vị; công cụ tìm kiếm trong vùng; các cách cho người sử dụng máy tính lưu trữ các tìm kiếm cá nhân và sử dụng chúng; dịch vụ tìm kiếm video dựa trên việc sao chụp cận cảnh các chương trình truyền hình; tìm kiếm di động bằng điện thoại di động BlackBerry và các công cụ khác.

Để chứng tỏ trình độ công nghệ cao, công ty đã tung ra dịch vụ Google Earth. Dịch vụ này cho phép người sử dụng có thể ngồi thoải mái ngay tại chiếc máy tính để lướt tới bất cứ nơi nào trên hành tinh đã được Google thiết kế qua hình ảnh không gian ba chiều. Trong thời đại của các hiệu ứng đặc biệt về ảnh động và truyền hình, công cụ này đã đặt lại các ranh giới về tìm kiếm, nó biến người sử dụng máy vi tính trở thành những nhà khám phá.

Google – câu chuyện thần kỳ của David Vise và Mark Malseed (Mỹ), bản quyền tiếng Việt của Công ty AlphaBooks, NXB Tri Thức xuất bản, Fahasa phát hành trên toàn quốc tháng 12-2006.

Brin và Page rất hài lòng. Nhân viên của Google và cả gia đình họ cũng vậy, đặc biệt khi Brin và Page thuê hẳn một rạp chiếu bóng bên cạnh trong 24 giờ và mua vé cho tất cả mọi người xem bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao đúng hôm bộ phim ra mắt khán giả. Với những sản phẩm và ứng dụng như vậy Google chắc chắn sẽ dễ dàng chiến thắng trong cuộc chạy đua không gian này.

Để đảm bảo Google luôn phát triển, tránh sự trì trệ và không bỏ lỡ cơ hội đạt mục tiêu, Brin, Page và Eric Schmidt phân chia công việc với tư cách là những người lãnh đạo dựa trên chức vụ công việc, hay nói cách khác, họ không áp dụng mô hình ban lãnh đạo ba người. Họ thường xuyên trao đổi với nhau nhưng cũng qui định về giới hạn cũng như vạch ra những trách nhiệm rõ ràng mà mỗi người phải thực hiện. Brin và Page giữ chức đồng chủ tịch và Schmidt giữ chức giám đốc điều hành, nhưng thực tế mỗi người kiểm soát các khu vực với chức năng khác nhau và cùng nhau chia sẻ trách nhiệm.

Cải thiện lại bộ não

Brin và Page từ lâu đã nung nấu tham vọng phát triển Google sang các lĩnh vực sinh học, di truyền học và các lĩnh vực khoa học như y khoa, công nghệ. Mục đích của họ là thông qua Google, quĩ từ thiện của công ty, và một pháp nhân khác có tên là Google.org, cung cấp thông tin nhằm đem lại một cuộc sống khỏe mạnh và lành mạnh hơn cho hàng triệu cá nhân và hàng triệu nhà khoa học thông qua việc ngăn chặn và chữa khỏi nhiều căn bệnh.

“Có quá ít người trong ngành máy tính nhận thức được những thách thức về thông tin trong ngành sinh học và ứng dụng của ngành này trên thế giới. Chúng tôi có thể lưu trữ một khối lượng dữ liệu khổng lồ với chi phí rất thấp” – Brin nói.

Một trong những dự án gây nhiều hứng thú nhất của Google liên quan đến sinh học và nghiên cứu di truyền học mà có thể tạo nên những bước đột phá quan trọng trong ngành y khoa và khoa học. Qua sự nỗ lực này, Google có thể giúp thúc đẩy đến thời đại y khoa cá nhân hóa, thời đại mà nếu nắm bắt chính xác cấu trúc gen của một cá thể thì có thể giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ và cố vấn sức khỏe trong điều trị và chăm sóc sức khỏe, hữu ích hơn việc dựa vào những thông số và các kết quả chẩn đoán để cung cấp thuốc và giới thiệu các biện pháp chữa trị. Những sự hiểu biết mới, những dược phẩm mới, một số loại thực phẩm nào là có ích và loại nào cần tránh được dựa trên những nghiên cứu gen đặc trưng của từng người là một trong những khả năng có thể trong tương lai.

Bác sĩ Alan E. Guttmacher, phó giám đốc Viện Nghiên cứu quốc gia Mỹ về gen người, nói rằng sự quan tâm của Google đối với di truyền học đặc biệt có ý nghĩa vì kho thông tin của nó giúp chúng ta tìm hiểu và xác định được những gen cụ thể và những bất thường trong di truyền học có thể là nguyên nhân gây bệnh. Ông nói: “Ngày nay các nhà nghiên cứu đã làm việc theo mô hình mới, đó là làm việc trên máy vi tính được kết nối với những cơ sở dữ liệu thông qua mạng Internet và làm việc theo mô hình không gian học thay thế mô hình làm việc trước kia khi các nhà khoa học phải làm việc trong những phòng thí nghiệm”.

Vài năm trước, Google đã cùng hợp tác với Trường đại học Stanford cung cấp máy tính cho một dự án khoa học tập trung nghiên cứu về sự không cuộn protein (chất đạm). Quá trình cuộn protein là một trong những chiếc chìa khóa để mở cánh cửa ngành sinh vật học. Một số người tin rằng protein cuộn không đúng sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm, từ bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) cho đến chứng bệnh Parkinson (bệnh mãn tính về hệ thần kinh làm cho các cơ bị run và yếu) và nhiều loại bệnh ung thư.

Dự án Trường Stanford đã tận dụng thời gian không sử dụng của những máy tính cá nhân của các cá nhân tình nguyện cũng như các tổ chức tình nguyện như Google – công ty đã đồng ý cung cấp điện toán công suất lớn nhằm tăng cường sức mạnh máy tính đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy quá trình cuộn protein trên môi trường ba chiều.

Một trong những cải tiến mà Brin và Page muốn chứng kiến Google và các công ty khác đạt được trong tương lai đó là các sản phẩm có giá rẻ, tiêu thụ năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường. Nguồn năng lượng này giống như năng lượng mặt trời vậy. Đối với Page thì đây là một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, trong nhiều năm qua anh đã tập trung tìm hiểu lượng điện lực khổng lồ được cung cấp cho mạng lưới hàng trăm ngàn chiếc máy tính của Google.

Page cũng nhìn trước thấy việc tham gia của Google và bản thân anh vào sự nghiệp giảm đói nghèo thông qua kinh doanh và hoạt động từ thiện. Page đặc biệt quan tâm đến những chương trình cung cấp khoản vốn cho những quốc gia đang phát triển. “Đó là một công việc kinh doanh đầy trách nhiệm – Page nói – Tôi tin rằng vấn đề xóa đói giảm nghèo là việc chúng ta cần làm. Về việc này thì Bono thật sự giỏi hơn tôi nhiều. Anh ấy đã từng nói rằng châu Phi không phải là một sự nghiệp mà một sự khẩn thiết”.

Tham vọng của Brin và Page đôi khi là những ý tưởng điên rồ vượt quá giới hạn của Google. Bây giờ, mọi người trên khắp thế giới nhìn nhận Google và Internet là một, nhưng Brin và Page đoán trước được khả năng tiềm tàng của con người có thể làm cho công cụ tìm kiếm phát triển đến mức độ cao hơn.

“Tại sao chúng ta không cải thiện lại bộ não của chúng ta nhỉ?”, Brin đã đòi hỏi. “Bạn muốn có nhiều năng lực tính toán. Trong tương lai, chúng tôi có thể đưa ra một phiên bản của Google để bạn có thể nối với não của bạn. Chúng tôi sẽ phải phát triển những phiên bản đặc sắc, nhưng rồi ngay lập tức bạn sẽ biết được tất cả những kiến thức có trên thế giới, điều ấy chắc hẳn rất là thú vị”.

DAVID VISE và MARK MALSEED
(Khánh Chi dịch – theo Tuổi Trẻ)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96