Học lập trình game bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng nào? Nếu bạn là người yêu thích game và muốn tự tay lập trình nên các tựa game theo ý muốn của riêng mình mà chưa biết bắt đầu từ đâu thì đây là bài viết dành cho bạn!
Nội dung
Cảm hứng đến từ đâu?
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng bị cuốn hút bởi những tựa game từ ký ức xưa cũ, những trò chơi đơn giản mà vẫn đầy cảm xúc. Hay cả các tựa game hiện đại với đồ họa tinh xảo, cốt truyện sâu sắc cũng khiến ta vô cùng ngưỡng mộ.
Qua quá trình trải nghiệm vô vàn tựa game, băng qua vô vàn thế giới và bối cảnh khác nhau. Liệu có khi nào có một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu : “Sẽ thật tuyệt nếu tựa game này thay đổi một chút ở đây, một chút ở kia,…” Hay là: “Sẽ thật tuyệt nếu ta có thể sáng tạo ra những trải nghiệm mới, vượt qua mọi giới hạn, và kết hợp mọi yếu tố với trí tưởng tượng để xây dựng một thế giới riêng mà chúng ta muốn đem đến cho mọi người thông qua một tựa game”….
Học lập trình game cần yếu tố đặc biệt nào?
Cũng như cách làm phim đòi hỏi phải xem nhiều phim để hiểu cách kể chuyện, hay viết sách cần đọc sách để học hỏi văn phong, lập trình game cũng vậy. Để tạo ra những Game độc đáo, ta cần trải nghiệm nhiều tựa game đa dạng, khám phá cách chúng vận hành, và từ đó hình thành tư duy sáng tạo của riêng mình.
Lập trình game không nên hiểu đơn thuần là viết những dòng Code khô khan, mà nó là hành trình kết hợp từ việc chơi game, cảm nhận game, kết hợp cùng sự sáng tạo để mang lại những trải nghiệm thú vị và sâu sắc đến với người chơi.
Đường đi liệu có dễ dàng?
Dĩ nhiên là không, có thể dễ dàng nhìn thấy, một tựa game thường được kết hợp bởi vô cùng nhiều nền tảng: đồ họa, logic, luật game, âm thanh, góc nhìn,… trải dài trên các lĩnh vực khác nhau như Thiết kế, Tâm lý học, Nhân chủng học,… mỗi lĩnh vực đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và sáng tạo để đảm bảo mọi yếu tố tương tác hài hòa với nhau.
May mắn là, thường chúng ta không làm nó một mình, việc phát triển game thường là một quá trình cộng tác giữa các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi người mang đến những kỹ năng và quan điểm độc đáo của riêng mình.
Từ những nhà thiết kế đồ họa (Artis), lập trình viên (Developer), cho đến các nhà viết kịch bản (Game Designer) và chuyên gia âm thanh (Sound Designer), mọi người cùng nhau làm việc để tạo ra một sản phẩm thống nhất, phong phú và hấp dẫn.
Sự kết hợp này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình phát triển mà còn tạo ra những trải nghiệm phong phú hơn cho người chơi. Qua việc lắng nghe và chia sẻ ý tưởng, nhóm phát triển có thể vượt qua những thách thức và khám phá ra những cách thức mới để làm cho trò chơi trở nên thú vị hơn.
Trong hành trình này, sự hợp tác và giao tiếp là chìa khóa dẫn đến thành công.
Con đường lập trình game cần những gì?
Toán học & Vật lý
Toán học không chỉ là những con số hay công thức khô khan, nó là nền tảng tạo nên thế giới của game. Mỗi chuyển động, mỗi hành động trong trò chơi đều được xây dựng dựa trên nguyên lý toán học & vật lý: Từ việc tính toán quỹ đạo và tốc độ, đến xác định vị trí và khoảng cách giữa các đối tượng, toán học & vật lý chính là nền tảng cho mọi cơ chế và tương tác trong game. Khi chúng ta khám phá thế giới lập trình game, sẽ nhận ra rằng chính toán học & vật lý đã tạo ra cấu trúc và Logic cho mọi trải nghiệm mà người chơi gặp phải.
Ví dụ:
Đằng sau các trò chơi lớn, đều đã vận dụng cả kiến thức vật lý cơ bản để tính tới trọng lực, lực đẩy, hay kiến thức toán học để tính tới góc xoay dựa trên di chuyển của nhân vật.
Tham khảo video giới thiệu Game Dungeon Hunter tại đây:
Game Engine (Unity/Unreal Engine)?
Khi bắt đầu hành trình phát triển game, chúng ta cũng sẽ cần một nền tảng để xây dựng game, hay còn gọi là Game Engine. Việc chọn nền tảng phát triển là điều quan trọng giúp chúng ta hiện thực hóa ý tưởng của mình. Unity và Unreal Engine là hai nền tảng nổi bật, mỗi cái đều mang đến những cơ hội tuyệt vời cho người mới bắt đầu.
Unity, với giao diện thân thiện và tài nguyên phong phú, cho phép ta nhanh chóng tạo ra những game thú vị mà không gặp nhiều khó khăn. Unreal Engine, mặc dù phức tạp hơn, lại là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn xây dựng những trải nghiệm 3D chân thực và ấn tượng.
Ngôn ngữ lập trình
Ngôn ngữ lập trình là sự giao tiếp giữa con người và máy tính, giúp chúng ta truyền đạt ý tưởng và logic đến thế giới ảo. Với người mới bắt đầu thường sẽ làm những tựa game đầu tay của mình trên Game Engine hot nhất hiện nay là Unity hoặc Unreal Engine. Và để có thể thực hiện hóa được những Logic game đầu tiên, chúng ta sẽ cần có ngôn ngữ để “giao tiếp” với các Engine này. Và đó là lúc chúng ta sử dụng tới ngôn ngữ lập trình,C# thường được sử dụng trong Unity, nổi bật với cú pháp dễ hiểu, trong khi C++ là lựa chọn phổ biến cho Unreal Engine, cung cấp hiệu suất cao và khả năng kiểm soát chi tiết hơn.
Ví dụ:
Những sự hỗ trợ?
Trong quá trình chúng ta bắt đầu, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn về Code, điều này là hiển nhiên, kỹ năng với Code dần dần sẽ được cải thiện qua quá trình chúng ta thực sự “làm game”. Việc học lập trình game ban đầu có thể rất khó khăn, nhưng may mắn thay, có những công cụ hỗ trợ như Visual Scripting trong Unity và Blueprint trong Unreal Engine giúp việc phát triển game trở nên dễ dàng hơn.
Visual Scripting (Unity) là một hệ thống lập trình trực quan, cho phép bạn kéo thả các khối lệnh để xây dựng logic game mà không cần viết nhiều Code. Điều này giúp người mới có thể tập trung vào việc hiểu cách hoạt động của game mà không bị áp lực bởi cú pháp Code phức tạp.
Tương tự, Blueprint trong Unreal Engine cũng là một công cụ lập trình trực quan mạnh mẽ, cho phép bạn tạo ra các tương tác phức tạp và logic game thông qua giao diện kéo thả. Blueprint đặc biệt mạnh mẽ khi bạn muốn nhanh chóng hiện thực hóa ý tưởng mà không phải đối mặt với những thách thức của lập trình C++.
Cả hai công cụ này đều là người bạn đồng hành đắc lực, giúp bạn phát triển game hiệu quả hơn trong giai đoạn đầu, trước khi bạn thực sự thành thạo trong việc viết Code.
Đâu là điểm bắt đầu, và ai sẽ đồng hành cùng?
Bắt đầu một hành trình mới luôn là một thử thách lớn, và chúng ta hiểu điều đó. Những người tạo ra các nền tảng phát triển game như Unity và Unreal Engine cũng thấu hiểu những khó khăn này. Chính vì thế, họ đã xây dựng sẵn những lộ trình để chúng ta dễ dàng làm quen và tiến bộ dần qua từng bước.
Unity Learn là nền tảng học tập chính thức từ Unity, cung cấp rất nhiều khóa học miễn phí giúp bạn bắt đầu từ những điều cơ bản nhất. Từ việc làm quen với giao diện đến cách sử dụng công cụ phát triển, Unity Learn sẽ là người bạn đồng hành hữu ích trên hành trình khám phá của bạn.
Unreal Online Learning từ Epic Games cũng không kém phần hỗ trợ. Với những khóa học chuyên sâu về Unreal Engine, bạn sẽ học được cách sử dụng BluePrint, tạo ra các tương tác phức tạp, và dần dần trở nên tự tin với công cụ mạnh mẽ này.
Dù bạn chọn Unity hay Unreal Engine, cả hai đều sẵn sàng đồng hành cùng bạn, giúp bạn vượt qua những bước đầu khó khăn nhất và từng bước trở thành nhà phát triển game thực thụ.
Mọi hành trình vĩ đại đều bắt đầu từ một bước chân
Bắt đầu hành trình phát triển game không bao giờ dễ dàng, nhưng mọi bước đi nhỏ đều quan trọng trong việc tiến đến thành công. Dù bạn sử dụng công cụ hay học hỏi qua từng đoạn Code, điều quan trọng là luôn kiên trì và không ngừng khám phá. Không có sai lầm nào đáng sợ hơn việc không dám thử.
Chính từ việc bắt đầu và vượt qua khó khăn, bạn sẽ ngày càng trưởng thành hơn trong vai trò một nhà phát triển game. Thế nên, hãy vững tin vào quá trình và đừng ngại thử nghiệm. Những công cụ và cộng đồng hỗ trợ sẽ luôn đồng hành cùng bạn trong mỗi bước đi trên con đường hiện thực hóa giấc mơ.
Vậy, còn chần chừ gì nữa mà không bắt đầu ngay với tựa Game đầu tay của mình? Chúc các bạn thành công, và chúng ta sẽ còn gặp lại nhau trên chặng đường lập trình Game.
Nguyễn Đình Huy / Giảng viên FPT Aptech
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |