Trên iOS 10.3, Apple đã thay đổi cách thức hoạt động của App Store để lập trình viên có thể dễ dàng liên lạc với người dùng, từ đó tương tác với họ để sửa các lỗi còn tồn tại trên ứng dụng.

Với bản cập nhật iOS 10.3 và macOS 10.12.4 phát hành vừa qua, Apple đã có một thay đổi rất lớn trong cách thức hoạt động của kho ứng dụng App Store. Theo đó, lập trình viên giờ đây đã có thể phản hồi lại các đánh giá (review) của người dùng để cung cấp hỗ trợ, hỏi đáp, nói lời cảm ơn, hay tương tác với các khách hàng tin tưởng chọn dùng ứng dụng của mình. Lập trình viên viết ứng dụng cho App Store đã phải chờ đợi từ rất lâu mới được cập nhật các tính năng này, trong khi đây là tính năng đã có trên Google Play từ năm 2013 đến nay. Dù sao đi nữa thì muộn còn hơn không, và cộng đồng lập trình viên App Store có lẽ từ nay đã giải quyết được “cơn đau đầu” kéo dài nhiều năm qua.

Hệ thống trước đây của Apple không chỉ gây khó khăn cho lập trình viên, mà nó còn không hề tốt cho người dùng. Nếu một ứng dụng bị crash hay gặp lỗi nào đó, bạn có thể vào App Store và để lại lời than phiền của mình bên dưới ứng dụng. Điều này dễ hơn nhiều so với việc đi tìm thông tin liên lạc của nhà phát triển, nhất là khi nhiều nhà xuất bản ứng dụng không để lại địa chỉ email hay thông tin hỗ trợ trong phần mô tả trên App Store.

Những phản ánh của khách hàng có thể giúp lập trình viên xác định các lỗi mới hoặc các lỗi cũ nhưng chưa được phát hiện ra. Tuy nhiên, lập trình viên không có cách nào để liên lạc với người dùng gặp lỗi để có thể hỏi đáp trực tiếp về trường hợp của họ từ đó có phương hướng giải quyết triệt để. Một số lập trình viên thậm chí còn thử áp dụng các mẹo để xác định khách hàng, ví dụ như dùng kỹ thuật đảo ngược UserID nhằm xác định email liên kết với tài khoản đó.

Thêm vào đó, việc thiếu hệ thống phản hồi lại các đánh giá cũng khiến lập trình viên không thể xây dựng được một “cộng đồng” xung quanh các ứng dụng của mình. Họ không thể trả lời các yêu cầu của người dùng về việc bổ sung tính năng, không thể bày tỏ suy nghĩ, hay nói về các kế hoạch của mình với ứng dụng. Nhà phát triển thậm chí cũng không nói được lời cảm ơn tới những người đã tin dùng sản phẩm của mình.

Bởi vậy, việc hệ thống mới của Apple cho phép lập trình viên chủ động phản hồi các vấn đề cần được khắc phục không chỉ giúp việc phát triển phần mềm tốt hơn, mà nó còn có thể ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng (doanh thu) của một ứng dụng nào đó. Khi người dùng cảm thấy một ứng dụng nào đó hữu ích, còn nhà phát triển nó thì quan tâm tới sản phẩm, họ sẽ đánh giá, xếp hạng ứng dụng đó cao hơn. Ứng dụng, từ đó, sẽ có cơ hội tăng lượt tải về, và thứ hạng của nó trên App Store cũng theo đó mà tăng lên.

Có gì mới cho lập trình viên?

Khi ra mắt hệ thống mới, Apple cung cấp một loạt các gợi ý về cách lập trình viên nên phản hồi các review của người dùng. Hãng giải thích rằng, tốt nhất nhà phát triển nên trả lời thắc mắc của người dùng kịp thời, rõ ràng, và ngắn gọn súc tích. Ngay cả khi nhiều lập trình viên trong cùng công ty cung cấp câu trả lời, thì phản hồi của các lập trình viên cần phản ánh được tinh thần chung của cả nhóm. Công ty cũng gợi ý rằng lập trình viên nên ưu tiên review của những người chấm điểm (xếp hạng) thấp cho ứng dụng, bởi nhiều khả năng đó sẽ là phản hồi về mặt yếu của ứng dụng mà lập trình viên cần khắc phục càng sớm càng tốt.

Phần review của người dùng sẽ xuất hiện trong iTunes Connect, một bảng điều khiển (dashboard) mà ở đó lập trình viên quản lý các ứng dụng họ cung cấp để tải về trên App Store. Một trang sẽ hiển thị các review, cho phép lập trình viên trả lời hay báo cáo chúng (ở mục App ->Acvitity -> Ratings and Reviews). Nhà phát triển cũng được cung cấp các bộ lọc để tìm các review từ người dùng ở các quốc gia khác nhau. Bộ lọc này có vẻ sẽ hữu ích cho việc lọc các review khi nhà phát triển ra mắt phiên bản mới của ứng dụng dành cho một quốc gia nào đó.

Phản hồi của lập trình viên có vẻ như cũng phải đi qua một tiến trình riêng trước khi đến được với người dùng, theo phát hiện của trang MacStories một số lập trình viên cho biết, họ nhìn thấy phản hồi của mình được đánh dấu là “đang treo” (Pending: Tạm dịch là ‘chờ được duyệt’).

Có gì mới cho người dùng?

Với người dùng, quá trình để lại đánh giá không có gì thay đổi, nếu như họ truy cập vào App Store như trước đây. Tuy nhiên, lập trình viên giờ đây có thêm một lựa chọn mới để mời người dùng để lại review ngay trong ứng dụng. Bằng cách sử dụng API SKStoreReviewController, lập trình viên có thể yêu cầu bạn đánh giá hoặc review một ứng dụng trong khi bạn vẫn đang dùng nó, không bị điều hướng sang App Store. Thay đổi này hứa hẹn sẽ thu hút thêm rất nhiều review, bởi người dùng sẽ không cảm thấy khó chịu khi bị thoát ra khỏi ứng dụng và bị ép phải vào App Store mới có thể để lại ý kiến của mình.

API cũng sẽ hạn chế số lần lập trình viên được yêu cầu người dùng để lại review, và trong một năm, nhà phát triển chỉ được đưa ra yêu cầu này không quá 3 lần. Một số ứng dụng hiện nay (như Tinder) thường hiện ra dấu nhắc “nhờ” người dùng đánh giá mỗi lần nó được mở lên, và điều này gây ra sự khó chịu không nhỏ.

Đáng tiếc rằng phiên bản iOS 10.3 chính thức không cho phép vô hiệu hoá hoàn toàn lời nhắc đánh giá đối với toàn bộ ứng dụng được cài trên thiết bị – tính năng có trong bản beta của iOS 10.3 trước đó. Tuy nhiên, nhiều khả năng tính năng này sẽ được Apple bổ sung trong tương lai.

Một tính năng mới cho người dùng đó là thông báo qua email nếu lập trình viên trả lời review của họ. Sau câu trả lời của lập trình viên, email sẽ bao gồm các câu hỏi như: “bạn có muốn cập nhật review của mình hay không”, hay “Bạn có thể liên lạc với lập trình viên tại đây”.

Trong bản thân App Store, các trả lời sẽ được gán nhán rõ ràng với các mũi tên và tiêu đề “Phản hồi của lập trình viên” (Developer Response). Review và phản hồi cũng được dán nhãn thời gian giúp chúng ta biết lập trình viên trả lời các review nhanh hay chậm. Với một review sẽ chỉ có một câu trả lời được liên kết với nó, nhưng lập trình viên có thể chỉnh sửa câu trả lời của mình, theo ghi chú của Apple.

Ngoài ra, người dùng còn có thể sử dụng 3D Touch trên một review để đánh dấu câu trả lời có hữu ích (Helpful) hay không (Not Helpful).

Lập trình viên cũng bị cấm nguỵ tạo các review, và Apple cũng không cho phép nhà phát triển, thông qua câu trả lời của mình, “gợi ý” để người dùng thay đổi đánh giá xếp hạng ứng dụng. Mục tiêu cuối cùng, tất nhiên là để giúp hệ thống đánh giá này được công bằng nhất có thể. Tất nhiên, sẽ có các lập trình viên tìm cách “lách luật”, vi phạm để có lợi cho sản phẩm của họ, và chúng ta hãy cùng chờ xem Apple làm thế nào để phát hiện ra các gian lận này.

 

 

MT
(theo Techcrunch)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96